Năm 2009, Tổng thống bị phế truất Bongo kế vị cha của ông - Omar Bongo, người giữ chức Tổng thống Gabon suốt 42 năm. Theo Al Jazeera, sự thống trị của gia đình ông Bongo đã gây ra bất mãn lớn. Những người chỉ trích nói rằng gia đình ông Bongo chỉ làm giàu cho bản thân mà không quan tâm tới 2,3 triệu người dân Gabon.
Cuộc đảo chính ngày 30/8 do tướng Oligui lãnh đạo được người dân hưởng ứng bằng cảnh tưng bừng ở thủ đô Libreville. Kể từ đó, chính quyền quân sự nhanh chóng củng cố quyền lực bằng việc thiết lập chính phủ chuyển tiếp với Tổng thống tạm quyền Oligui và Thủ tướng tạm quyền Sima.
Đảo chính ở Gabon là cuộc binh biến lần thứ 8 trong 3 năm ở khu vực Tây và Trung Phi. Khác với đảo chính ở Niger, Gabon chưa ghi nhận làn sóng chống Pháp, thân Nga. Các tướng lĩnh đảo chính tỏ ra cởi mở trong việc đối thoại với các tổ chức quốc tế - điều không có ở chính quyền quân sự Niger.
Khối khu vực Trung Phi (ECCAS) đình chỉ tư cách thành viên của Gabon vào ngày 4/9 nhưng đã cử đại diện là Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Faustin-Archange Touadéra tới đàm phán với chính quyền quân sự.
Ông Touadéra cho biết đã gặp tướng Oligui và Tổng thống bị phế truất Bongo. Đại diện của ECCAS không tiết lộ chi tiết về tình cảnh của ông Bongo, chỉ nói rằng cuộc gặp với chính quyền quân sự đã có kết quả.
Kể từ khi bị phế truất, ông Bongo bị giam lỏng tại dinh Tổng thống, nhưng trong một tuyên bố ngày 6/9, chính quyền quân sự Gabon cho biết đã trả tự do cho ông Bongo. Nếu muốn, Tổng thống bị phế truất có thể ra nước ngoài để chữa bệnh.