Chính sách cho học sinh dân tộc chưa theo kịp thực tế

06/01/2024, 11:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng cao những năm qua đã giúp các em yên tâm đến trường, ổn định sĩ số.

Đơn cử theo Nghị định 116 hỗ trợ 15kg gạo, tiền ăn ở bằng 50% lương cơ sở mỗi tháng/học sinh dân tộc bán trú áp dụng cho từ cấp tiểu học đến THPT. Trong khi sức ăn, thể chất từng lứa tuổi khác nhau. Hay như kinh phí hỗ trợ cho giáo viên trường bán trú là 0,3% lương cơ sở/tháng với khoảng 400.000 đồng/giáo viên là quá ít với khối lượng công việc chăm sóc, quản lý học sinh rất vất vả.

Từ thực tế tại Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An, cô Phó Hiệu trưởng Đậu Thị Quỳnh Mai nói thêm: Thông tư 109 ban hành từ năm 2009, sau 14 năm có nhiều nội dung không phù hợp thực tế. Ví dụ trung bình mỗi ngày, tiền ăn cho học sinh của trường là 42.000 đồng/em gồm 3 bữa ăn gồm sáng, trưa, tối.

Với số tiền này, để cân đong đo đếm bữa ăn đủ dinh dưỡng, thực đơn thay đổi mỗi ngày là việc không dễ dàng. Học bổng cho học sinh dù hưởng 80% mức lương cơ sở nhưng nay quá thấp, khó để nhà trường trang trải tiền ăn và trích lại một phần cho học sinh chi tiêu. Tiền tàu xe cũng quy định 1 năm/lần nhưng thực tế ít nhất các em về mỗi năm 2 lần, dịp Tết và hè.

Giờ sinh hoạt thể dục thể thao của học sinh Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An. Ảnh: Ngọc Sơn
Giờ sinh hoạt thể dục thể thao của học sinh Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An. Ảnh: Ngọc Sơn

Cần chính sách mới phù hợp

Qua tổng hợp từ nhà trường và các địa phương, Sở GD&ĐT Nghệ An nhận nhiều ý kiến đóng góp như định mức hỗ trợ khoán kinh phí phục vụ nấu ăn tập trung tại các trường có học sinh bán trú còn thấp so với giá cả thị trường.

Mức hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương cơ sở/tháng đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở còn thấp, nhất là với trường THPT đóng tại khu vực thị trấn, giá thuê phòng cao. Hằng kỳ, số lượng gạo cấp về cho học sinh nhà trường lên đến hàng tấn, trong khi kho chứa gạo nhiều đơn vị không có, hoặc có nhưng không đảm bảo quy chuẩn và diện tích, dẫn đến chất lượng gạo giảm dần theo thời gian.

Một khó khăn khác là số xã miền núi khu vực III đặc biệt khó khăn giảm, theo đó học sinh tại đây không nằm trong diện được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, nhất là chế độ cho học sinh dân tộc bán trú, nội trú.

Liên quan đến chính sách cho học sinh, Chính phủ đã ban hành dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em, học sinh, học viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách. Nghị định được ban hành sẽ tháo gỡ phần nào bất cập các trường đang gặp phải; tạo cơ hội cho trẻ sinh sống ở khu vực khó khăn được thụ hưởng chính sách.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An mong muốn chính sách mới sẽ quan tâm đến học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở các xã khu vực I, khu vực II, học viên học tại các trung tâm GDNN – GDTX.

Bên cạnh đó xem xét nâng mức khoán kinh phí hỗ trợ đồ dùng học tập, sinh hoạt cho học sinh DTNT; nâng khoán nấu ăn tập trung, hỗ trợ tiền điện, nước cho học sinh tại các trường phổ thông DTBT, hoặc trường phổ thông có học sinh DTBT ăn ở tập trung. Có phương án cấp phát gạo về các trường dân tộc nội trú, bán trú hợp lý. Đồng thời quan tâm đến chính sách cho đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất cho các nhà trường để việc hỗ trợ các chính sách được thuận lợi và phát huy hiệu quả hơn.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chinh-sach-cho-hoc-sinh-dan-toc-chua-theo-kip-thuc-te-post667465.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chinh-sach-cho-hoc-sinh-dan-toc-chua-theo-kip-thuc-te-post667465.html
Bài liên quan
Trường đại học công bố phương thức tuyển sinh 2025 và hàng loạt chính sách học bổng
Một số trường đại học tại TP Hồ Chí Minh đã lần lượt công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2025, đồng thời cam kết không tăng học phí cùng với các chính sách học bổng “khủng” dành cho thí sinh trúng tuyển.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính sách cho học sinh dân tộc chưa theo kịp thực tế