Chính sách học phí: Công bằng trong tiếp cận giáo dục

20/01/2024, 06:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm học 2023 - 2024, Chính phủ cho phép các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp (gọi chung là cơ sở đào tạo) tăng học phí so với năm học trước.

Vấn đề học phí năm học 2023 - 2024 đã ngã ngũ khi các cơ sở đào tạo được phép tăng nhưng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ (Nghị định 81).

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), các cơ sở đào tạo đều có chính sách hỗ trợ người học. Tăng học phí theo lộ trình của Chính phủ đưa ra là việc hiển nhiên, song kèm theo đó chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở đào tạo có làm giá trị của sinh viên gia tăng tương ứng.

Theo đó, tăng học phí cần đi kèm các chính sách khác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo như mua sắm thiết bị, sách, ứng dụng công nghệ dạy học mới, cải thiện cơ hội việc làm, tăng vốn vay cho sinh viên theo học, tăng học bổng cho sinh viên nghèo học giỏi. Muốn vậy, nhà trường cần cơ cấu lại việc đầu tư, tích lũy và minh bạch tài chính, nhất là thu - chi từ nguồn học phí.

Cho rằng, học phí đặt trên vai người học, PGS.TS Phạm Thị Huyền - Trưởng bộ môn Khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) chia sẻ, chi phí cho học tập được chi trả chủ yếu bởi gia đình người học, đặc biệt người học ở trình độ đại học và những gia đình cho con em học ở các trường tư thục.

Qua khảo sát, nghiên cứu, PGS.TS Phạm Thị Huyền nhận thấy, gia đình người học phải chi trả đến 84,6% tổng chi phí học tập sau phổ thông của mỗi người học. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, hiện phần chi của gia đình cho giáo dục là 35,1% cho học phí. Điều đó có nghĩa, học phí được xem là phần chi tiêu chiếm 1/3 tổng chi cho giáo dục.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận học bổng “Thắp sáng ước mơ”. Ảnh: NTCC
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận học bổng “Thắp sáng ước mơ”. Ảnh: NTCC

Để có nguồn thu khác nhằm duy trì hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025, tăng thu học phí là cách duy nhất mà cơ sở giáo dục từ mầm non, phổ thông đến đại học đang làm.

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Thị Huyền cho rằng, điều này vô hình trung tạo áp lực lên người học và gia đình. Nếu không thực thi tốt chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho những đối tượng có liên quan thì cơ hội học tập của người yếu thế sẽ giảm đi, đi ngược chủ trương “không để ai ở lại phía sau”.

Chính vì vậy, để đảm bảo công bằng trong giáo dục và tiếp cận cơ hội học tập, PGS.TS Phạm Thị Huyền nhấn mạnh, rất cần chính sách hỗ trợ chi phí học tập, tạo điều kiện cho người yếu thế được tiếp cận với dịch vụ giáo dục, đào tạo. Song nên cân nhắc việc chuyển từ hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục sang hỗ trợ trực tiếp đối tượng chính sách - có thể chuyển trực tiếp vào tài khoản đóng học phí của người học.

Với việc đào tạo nghề và giáo dục đại học, PGS.TS Phạm Thị Huyền đề xuất, các địa phương nên áp dụng cơ chế “đặt hàng” với cơ sở đào tạo để trả kinh phí đào tạo. Điều này vừa tạo động lực để các trường đào tạo theo yêu cầu, vừa đảm bảo công ăn việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Quan trọng hơn, làm sao tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia và hỗ trợ công tác giáo dục, đào tạo.

“Là người sử dụng lao động, chất lượng giáo dục - đào tạo sẽ tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nên cần thể hiện trách nhiệm trong quá trình đào tạo. Ngoài ra, cần cân nhắc việc bổ sung nguồn đầu tư cho giáo dục từ Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ của doanh nghiệp, tạo thành Quỹ Học bổng cho người học ở các cơ sở giáo dục.

Việc doanh nghiệp tham gia tạo nguồn Quỹ Học bổng cho sinh viên chính là một trong những cách làm được áp dụng nhưng chưa mang tính hệ thống”, PGS.TS Phạm Thị Huyền trao đổi.

Về chiến lược lâu dài hỗ trợ cho người học, nhất là người hoàn cảnh khó khăn nhưng có năng lực học tốt, ông Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội) cho rằng, các trường cần có nhiều phương pháp hỗ trợ, giúp các em tiếp cận với điều kiện học tập tốt nhất, kể cả chương trình chất lượng cao.

Trên phương diện Nhà nước, khi không cấp ngân sách đào tạo cho cơ sở đào tạo thì phần kinh phí đó phải để thành lập các quỹ hỗ trợ cho người học, chẳng hạn quỹ học bổng để đặt hàng cho những trường sẽ đào tạo sinh viên, học viên thuộc diện chính sách xã hội, có năng lực tốt. Như vậy sẽ ưu tiên đúng đối tượng, không để tràn lan.

Ngoài ra, theo ông Hoàng Văn Cường, các cơ sở đào tạo phải có chính sách đối với người học, dành quỹ học bổng cho các em. Làm tốt các giải pháp trên sẽ không quan ngại những học sinh giỏi, có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện học tập.

Theo PGS.TS Phạm Thị Huyền, Chính phủ và các địa phương có thể cân nhắc dùng các nguồn đầu tư trong và nước ngoài, ngân sách Nhà nước để cấp trực tiếp cho các trường nhằm bù đắp các khoản học phí của người học có điều kiện khó khăn, yếu thế hoặc trong những tình huống đặc thù, giúp người học giảm gánh nặng học phí.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chinh-sach-hoc-phi-cong-bang-trong-tiep-can-giao-duc-post668615.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chinh-sach-hoc-phi-cong-bang-trong-tiep-can-giao-duc-post668615.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính sách học phí: Công bằng trong tiếp cận giáo dục