Chờ chính sách đột phá cho GD Mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất

03/10/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc kịp thời ban hành các chính sách để hỗ trợ GDMN phát triển, đặc biệt là cơ sở tại khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) là cần thiết.

Bước vào năm học 2023 - 2024, giáo dục mầm non (GDMN) tiếp tục đứng trước những khó khăn do hạn chế về cơ sở vật chất, thiết bị và chuẩn hóa đội ngũ để thực hiện chương trình mới.

Sự song hành cần thiết

Theo bà Cù Thị Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT), năm học 2023 - 2024 dù đại dịch Covid-19 đã qua đi nhưng tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và nền kinh tế còn rất lớn.

Nhiều cơ sở GDMN ngoài công lập ở các KCN, KCX vẫn đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lực đảm bảo chất lượng, thiếu giáo viên do chuyển sang làm công việc khác để mưu sinh. Điều đó ảnh hưởng đến công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục cũng như đảm bảo an toàn cho trẻ; tác động không nhỏ tới tư tưởng, tâm lý của cha mẹ trẻ khi gửi con để đi làm.

Trong khi đó, các cơ sở này đã chia sẻ gánh nặng cho hệ thống trường công lập trong điều kiện thiếu giáo viên và nơi học cho trẻ trong độ tuổi đến trường là rất lớn. NGƯT.TS Đặng Lộc Thọ, chuyên gia GDMN độc lập, phân tích: Thực tế, vẫn còn những hạn chế để hệ thống này phát triển, đóng góp tốt hơn vào sự nghiệp chung, như việc ban hành chính sách về phát triển, xã hội hóa GDMN còn chậm.

Cho dù có nhiều hỗ trợ, nhưng tùy theo nguồn lực của từng tỉnh, thành và phần lớn địa phương chưa ban hành được chính sách mạnh để thu hút nguồn lực phát triển lĩnh vực này. Đơn cử như quy hoạch đất dành cho GDMN tại các thành phố lớn, KCN, KCX còn bất cập.

Từ thực tế Nghệ An, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT địa phương này đã chỉ ra những hạn chế cần sớm xóa bỏ. Theo đó, đầu tư cho GDMN chưa thực sự công bằng khi nguồn ngân sách Nhà nước chủ yếu tập trung vào phát triển hệ thống giáo dục công lập và dành cho trẻ em học tại đây; chưa có hỗ trợ thỏa đáng đối với trẻ em thuộc các gia đình khó khăn do yếu tố khách quan phải học tại cơ sở ngoài công lập với chi phí cao.

Ở một số KCN, KCX, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập phục vụ con công nhân có mô hình hoạt động linh hoạt, chi phí thấp nhưng chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế; thiếu các điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn cho trẻ.

Giờ thể dục của trẻ Trường Mầm non Tuổi thơ, Hà Nội. ảnh 1
Giờ thể dục của trẻ Trường Mầm non Tuổi thơ, Hà Nội.

Kiến nghị từ địa phương

Khó khăn còn nhiều nhưng Quảng Nam là địa phương tiêu biểu cho nỗ lực vượt khó, triển khai hiệu quả GDMN. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Công Thành cho rằng, sự đồng lòng của các cấp ngành là nền tảng quan trọng để thành công.

Theo đó, Nghị định 105 là căn cứ pháp lý giúp địa phương có cơ sở tham mưu thực hiện chính sách cho đội ngũ. Quảng Nam đã tham mưu ban hành 3 nghị quyết trong 1 năm, trong đó có nghị quyết mở rộng đối tượng hưởng chính sách ở “cụm công nghiệp”; chính sách hỗ trợ nấu ăn cho trẻ vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ 1 lần cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học đối với cơ sở GDMN ở KCN.

“Về chế độ chính sách, chúng tôi thực hiện theo quy định tại Nghị định 105 đối với giáo viên mầm non. Quảng Nam cũng ban hành Nghị quyết sữa học đường và ban hành chính sách đặc thù cho trẻ mầm non tại địa phương”, đại diện Sở GD&ĐT Quảng Nam thông tin.

Là địa phương có nhiều cơ sở GDMN độc lập tư thục đáp ứng yêu cầu gửi con em công nhân làm việc tại KCN, KCX, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, ông Phạm Khương Duy, kiến nghị cho tổ chức, cá nhân thuê cơ sở vật chất hiện có của Nhà nước làm cơ sở GDMN ngoài công lập với mức phí ưu đãi; sử dụng ngân sách Nhà nước xây dựng cơ sở vật chất cho thuê để thành lập các cơ sở GDMN ngoài công lập (theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 22/5/2015) cần được đẩy mạnh.

Đồng thời có cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ loại hình cơ sở GDMN này, trong đó cần tạo quỹ đất sạch giao cho các nhà đầu tư; trình tự, thủ tục giao đất, vay vốn cũng như thủ tục thành lập trường và đăng ký hoạt động cần đơn giản.

Ở Hải Dương, 11/18 KCN đã hoạt động nhưng chưa có nơi nào xây dựng trường, lớp mầm non phục vụ con công nhân, người lao động. Tại đây cũng tồn tại tình trạng số trẻ/lớp vượt so với quy định, thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển...

Để khắc phục, Hải Dương đã ban hành các chính sách đặc thù của địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuê đất, vay vốn mở trường; hoặc xây dựng trường cho thuê. Đầu tư trở lại một phần ngân sách từ thu thuế tại các KCN cho địa phương đã bàn giao đất để mở rộng trường, xây dựng thêm phòng học cho trường mầm non.

Đồng thời, Hải Dương kiến nghị Bộ GD&ĐT tham mưu với Chính phủ có thêm chính sách hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên, người chăm sóc trẻ tại cơ sở GDMN trên địa bàn có KCN; sửa đổi, mở đối tượng được hỗ trợ theo Nghị định 105 để có nhiều giáo viên, người chăm sóc trẻ được thụ hưởng.

Tại Thông báo số 37/TB-VPCP ngày 20/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ GD&ĐT cùng bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển GDMN ở địa bàn có KCN; nghiên cứu tham mưu bổ sung chính sách đảm bảo đúng quy định, kịp thời và công bằng, không bỏ sót đối tượng.

Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Đề án phát triển cơ sở GDMN và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi là con công nhân tại địa bàn có KCN, KCX giai đoạn 2023 - 2030.

Bài liên quan
Thưởng tiền cho sinh viên nam đăng ký học ngành Giáo dục mầm non
"Tin vui là trong hơn 300 thí sinh đăng ký theo học ngành Giáo dục mầm non, đã có một thí sinh nam", ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chờ chính sách đột phá cho GD Mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất