Giáo dục

Chờ đón những bước chân vui đến trường

11/08/2024 17:07

Các trường học vùng khó vận động nguồn lực ngoài ngân sách như ủng hộ của đội nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện để cải thiện điều kiện dạy học...

Nước sạch về trường

Thầy Huỳnh Văn Thành - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua (Sơn Tây, Quảng Ngãi) không giấu được niềm vui khi tiếp nhận bàn giao giếng khoan mới. Đây là công trình do nhóm thiện nguyện xã hội 76 Quảng Ngãi kêu gọi và thực hiện.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua có 150 học sinh ở lại nội trú, phục vụ ăn uống, sinh hoạt 3 bữa/ngày. Nếu tính cả ăn trưa ở trường thì có gần 300 học sinh. Các em đều có nhu cầu ở lại trường nhưng khu nội trú chỉ có thể sắp xếp chỗ ở cho khoảng 150 học sinh. Những em nhà gần hoặc phụ huynh có thể đưa đón thì đi về trong ngày.

Học sinh nội trú đông, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt lớn mà cả trường chỉ có 1 giếng khoan và một bể chứa nhỏ nên lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. “Cứ đến đầu tháng 4 hằng năm là bắt đầu “hụt” nước sinh hoạt. Thầy cô luôn canh chừng để bơm nước dự trữ nhằm đủ nước để các em tắm giặt.

Nhiều khi phải nối đường ống, xin các hộ dân xung quanh kéo nước về trường để không bị thiếu nước…”, thầy Thành cho biết. Thêm một cụm giếng khoan, thầy, cô giáo nhà trường sẽ bớt căng thẳng bài toán nước sinh hoạt cho học sinh vào mùa khô. Không phải lo đêm hôm đi kéo nước về trường để sớm mai, đủ nước cho hơn 150 em nhỏ vệ sinh cá nhân, chuẩn bị cho một ngày học tập mới.

Mùa Hè năm nay, nhóm thiện nguyện xã hội 76 Quảng Ngãi kêu gọi và xây dựng 4 công trình giếng khoan cho các trường, gồm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua, Trường Mầm non Tu K Pan xã Sơn Bua, Trường Mầm non xã Sơn Dung thôn Đăk Trên, Trường Mầm non Đăk Ra Pân xã Sơn Long với tổng kinh phí 140 triệu đồng. Đây là món quà quý với các trường học vùng cao, luôn có số lượng lớn học sinh ở lại bán trú.

cho nhung buoc chan vui den truong (1).jpg
Một trong 4 công trình trường học được xây dựng mới từ nguồn kinh phí vận động của CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My. Ảnh: Nguyễn Trần Vỹ.

Ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Trà My (Bắc Trà My, Quảng Nam) cho biết, trong mùa Hè 2024, có 8 điểm trường mẫu giáo trên địa bàn huyện tiếp nhận hệ thống lọc nước uống do tổ chức Lifestart Foundation Inc (LSF/Úc) hỗ trợ. Ngoài ra, có 3 trường học khác ở huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cũng thụ hưởng chương trình này.

Hầu hết trường học trên địa bàn Bắc Trà My đều sử dụng nước giếng khoan hoặc nước tự chảy ở các suối dẫn về. Bể lắng của các trường cũng đơn giản, chủ yếu để lọc cát và lá rừng. Trong khi đó, nước sinh hoạt được kéo về từ các khe, suối, thậm chí nước giếng khoan có đảm bảo vệ sinh an toàn hay không là điều nhà trường, địa phương khó khẳng định. Vì vậy, ông Tú cho rằng, việc được trang bị hệ thống lọc nước uống đã giúp các trường cải thiện nhiều điều kiện tổ chức bán trú, chăm lo sức khỏe tốt hơn cho học sinh.

cho nhung buoc chan vui den truong (3).jpg
Công trình trường học tại điểm trường Ông Phụng, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn đang thi công. Ảnh: CLB Bạn thương nhau

Chạy đua với thời tiết

Công trình trường học ở điểm trường Ông Phụng, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) đang gấp rút chạy đua với thời tiết để bàn giao, đưa vào sử dụng từ khai giảng năm học mới. Công trình được xây dựng bằng nguồn kinh phí do câu lạc bộ (CLB) Bạn thương nhau (Đà Nẵng) vận động, kết nối. Quy mô xây dựng gồm 2 phòng học, nhà công vụ cho giáo viên cùng khu vệ sinh mới. Phòng học kiên cố sẽ thay thế cho ngôi trường bằng gỗ lợp mái tôn đã xuống cấp trầm trọng.

Nóc Ông Phụng hiện vẫn là nơi 3 không: Không sóng điện thoại, không điện lưới quốc gia (hiện chỉ dùng điện mặt trời), không nước sạch. Trong khi đó, học sinh tại điểm trường này ngày càng nhiều do đón cả các em nhà ở nóc Ông Đại xuống học cùng. Gần 50 học sinh của điểm trường trong năm học tới sẽ không còn cảnh mưa lùa gió tạt vào mùa Đông lạnh buốt, không nắng rọi trang vở trong những ngày hè oi bức.

Huyện Bắc Trà My cũng có 2 công trình trường học được xây dựng mới trong hè này từ nguồn xã hội hóa. Điểm trường thôn 3 của Trường Mẫu giáo Hoa Phượng (xã Trà Đốc) và điểm trường thôn 5 của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Bui được xây dựng kiên cố hóa với tổng kinh phí xây dựng gần 1,6 tỷ đồng. Đây đều là những điểm trường đã xuống cấp sau một thời gian dài sử dụng, có nguy cơ mất an toàn cho học sinh và giáo viên.

Đón chờ trẻ mẫu giáo Trường Mầm non Đăk Ra Pân, điểm trường Tập đoàn 20 (xã Sơn Long, Sơn Tây, Quảng Ngãi) trong ngày tựu trường sắp tới là một diện mạo mới hoàn toàn. Điểm trường được sửa chữa phòng học, mái hiên, vẽ sơn với tổng kinh phí 300 triệu đồng, do 2 đơn vị tài trợ gồm Hội từ thiện nối Hà Nội và Nhóm thiện nguyện bóng mây vùng cao Quảng Ngãi.

Cùng với vận động kinh phí để kiên cố hóa trường lớp ở các điểm trường lẻ vùng khó, CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My (Quảng Nam) luôn kêu gọi các “mạnh thường quân” hỗ trợ thêm đồ chơi ngoài trời, đồ dùng trong lớp học, bàn ghế. Mỗi dịp khánh thành bàn giao điểm trường, bà con trong vùng được tặng nhu yếu phẩm, đôi khi được hỗ trợ thêm tiền mặt.

Mùa Hè 2024 này, CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My vận động kinh phí để xây dựng 4 công trình trường học trên địa bàn huyện. Trong đó, công trình xây dựng kiên cố 2 phòng học, 1 phòng công vụ ở điểm trường thôn 5 Takchai thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Cang cùng công trình vệ sinh khép kín được khởi công từ giữa tháng 5. Hai công trình xây dựng mới khác ở điểm trường Lăng Lương và Răng Chuỗi thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập cũng đang chạy đua tiến độ để kịp cho năm học mới.

Thầy Nguyễn Trần Vỹ - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính, Chủ nhiệm CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết: “Ở địa bàn vùng khó, việc xã hội hóa nhận thức thành công sẽ góp phần xã hội hóa các nguồn lực đóng góp.

Xã hội hóa giáo dục ở đây, không phải là câu chuyện phụ huynh tham gia đóng góp ngày công, hay hiến vài chục m2 đất để xây trường, mà là cách để họ quan tâm hơn đến việc học hành của con em. Một khi phụ huynh đồng lòng cùng giáo viên sẽ chăm lo nhắc nhở trẻ chuyên cần trong học tập, chứ không chỉ đơn giản là khoán trắng cho nhà trường”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/cho-don-nhung-buoc-chan-vui-den-truong-post695136.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/cho-don-nhung-buoc-chan-vui-den-truong-post695136.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chờ đón những bước chân vui đến trường