Chờ nguồn lực đầu tư tương xứng triển khai Chương trình mới

Lan Anh - Ngọc Hà | 09/04/2023, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Qua 3 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn gặp khó khăn nhất định về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên...

Chờ nguồn lực đầu tư tương xứng triển khai Chương trình mới ảnh 1

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, giai đoạn 2014 - 2022 thực hiện giám sát chuyên đề tại Hà Nội.

Khó khăn không đến từ chương trình

Theo báo cáo kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, khó khăn lớn nhất của các trường hiện nay là điều kiện cơ sở vật chất nhằm đáp ứng Chương trình, sách giao khoa mới. Tỷ lệ đáp ứng chung thiết bị tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập năm học 2022 - 2023 toàn thành phố chỉ đạt 71,5% và không đồng đều ở mỗi cấp học.

Điều kiện đảm bảo là học sinh tiểu học không quá 35 học sinh/lớp và học sinh THCS, THPT không quá 45 học sinh/lớp, điều này không thực hiện được tại hầu hết quận nội thành. Lớp học cũng phải đảm bảo điều kiện theo quy chuẩn mới của Bộ GD&ĐT nhưng hiện vẫn còn khoảng 200 phòng học bán kiên cố.

Việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp ở một số quận chưa đáp ứng nhu cầu học tập. Một số địa phương chịu áp lực tuyển sinh vì dân số cơ học tăng nhanh. Ở khu đô thị mới với quy mô dân số lớn, song tiến độ xây dựng trường học trong khu đô thị theo quy hoạch gần như giậm chân tại chỗ.

Diện tích đất một số trường trong các quận trung tâm chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, một số cơ sở giáo dục tại các huyện ngoại thành nguồn lực tài chính còn hạn hẹp nên việc đầu tư cho mua sắm thiết bị dạy học phòng học, phòng chức năng còn hạn chế, khó đáp ứng ngay quy định.

Về đội ngũ giảng dạy, thách thức đáng kể nhất là môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS khi chưa có giáo viên đủ năng lực thực sự để đảm nhận.

Làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trao đổi, khi đi giám sát thực hiện chương trình mới tại huyện Cần Giờ, đoàn thấy rõ sự thiếu thốn của các trường. Cũng chương trình này, trong khi giám sát việc thực hiện tại một trường quốc tế ở TPHCM, tình hình dạy học khá thuận lợi.

“Thực tế giám sát khiến đoàn đặt ra câu hỏi: Phải chăng những khó khăn của chúng ta không do chương trình, mà nằm ở cơ chế, công tác chuẩn bị? Cơ chế đấu thầu, ngân sách dành cho giáo dục đã phù hợp hay chưa? Rõ ràng khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên vẫn chủ yếu nằm ở khối công. Khối tư thục nhờ nguồn lực chủ động và tự chủ, khó khăn gần như là rất ít”, ông Nghĩa nói và thông tin thêm: Không chỉ khối trường phổ thông công lập gặp khó, qua giám sát cho thấy các trung tâm GDTX còn khó khăn gấp bội.

“Khó khăn và thiếu thốn là vô cùng lớn, lãnh đạo các đơn vị kêu rất nhiều. Trong Nghị quyết 51 của Quốc hội nêu rõ, Chính phủ chuẩn bị điều kiện để thực hiện Chương trình, SGK mới. Chính phủ cũng đã có nghị quyết rồi nhưng khi triển khai chúng ta thiếu hụt đủ thứ, từ đội ngũ cho đến cơ sở vật chất... Đây rõ ràng là điểm thắt chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận để có hướng tháo gỡ”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cho biết: Toàn thành phố còn khoảng 10 quận huyện rơi vào tình cảnh khó khăn như Quận 12. Quận 12 còn có quỹ đất, còn ở quận Tân Phú, tỷ lệ học 2 buổi/ngày chỉ 20% nhưng không còn khu vực nào để tạo lập quỹ đất cho giáo dục.

“Ở các cơ sở giáo dục chúng tôi tới giám sát tại TPHCM, phòng chức năng, cơ sở vật chất phục vụ cho chương trình mới đều chưa có và rất thiếu. Với địa phương có điều kiện như TP, trang thiết bị phục vụ học tập vẫn thiếu, vậy các địa phương khó khăn thì thế nào trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư thực hành nghiên cứu?”, ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội băn khoăn.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/cho-nguon-luc-dau-tu-tuong-xung-trien-khai-chuong-trinh-moi-post633077.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/cho-nguon-luc-dau-tu-tuong-xung-trien-khai-chuong-trinh-moi-post633077.html
Bài liên quan
Xã hội hóa xây dựng trường lớp chất lượng cao - Bài cuối: Thu hút nguồn lực đầu tư xây trường lớp tại các khu, cụm công nghiệp
Sở Giáo dục và Đào tạo Long An cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông kết hợp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2021 – 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chờ nguồn lực đầu tư tương xứng triển khai Chương trình mới