Cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh đang vướng ở đâu?

Trường Tiến | 29/11/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh (LQTA) ở các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) được nhiều phụ huynh đồng tình ủng hộ.

Thế nhưng quá trình triển khai ở cơ sở đang gặp không ít khó khăn, nhất là điều kiện về đội ngũ giáo viên.

Nhu cầu cao

Theo thống kê từ Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, năm học 2022 - 2023, toàn thành phố có 10.215/38.020 (tương đương 26,87%) trẻ mẫu giáo có nhu cầu LQTA tại các cơ sở GDMN. Trong đó, trẻ 3 - 4 tuổi là 2.055; trẻ 4 - 5 tuổi là 3.136, trẻ 5 - 6 tuổi là 5.024.

Bà Nguyễn Ngọc Huệ, Phó Trưởng phòng GDMN (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết, ngành Giáo dục Cần Thơ đã triển khai chương trình LQTA dành cho trẻ em mẫu giáo. Sở xác định đây là nội dung mới, có nhiều đặc thù nên một số địa phương còn khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong tổ chức thực hiện, đặc biệt đối với việc xác định như thế nào là đủ điều kiện tổ chức, các vấn đề liên quan đến tổ chức, quản lý…

Sở GD&ĐT Cần Thơ cũng tổ chức hội thảo triển khai danh mục các tài liệu được Bộ thẩm định. Đại diện các đơn vị giới thiệu những nội dung chính, cốt lõi của bộ tài liệu, học liệu kèm theo. Từ đó, các cơ sở GDMN lựa chọn tài liệu phù hợp với điều kiện của nhà trường. Bên cạnh đó, một số trung tâm ngoại ngữ chia sẻ về các phương án, chương trình, kế hoạch tổ chức cho trẻ mẫu giáo LQTA tại các cơ sở GDMN đủ điều kiện, góp phần giải quyết hiện trạng khó khăn về đội ngũ giáo viên.

Tại tỉnh Đồng Tháp, sở GD&ĐT đã triển khai chương trình LQTA cho trẻ mầm non trong học kỳ II, năm học 2020 - 2021, với 44 cơ sở GDMN tham gia. Đồng thời, sở tiến hành tập huấn cán bộ, giáo viên cũng như lựa chọn chương trình tiếng Anh để triển khai tại trường mầm non, mẫu giáo. Bà Ngô Thúy Anh, Trưởng phòng GDMN - Tiểu học (Sở GD&ĐT Đồng Tháp) cho hay, qua thống kê, năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 158 trường đăng ký tham gia cho trẻ LQTA. Sau một năm triển khai, các trường đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức, đồng thời chủ động hơn khi xây dựng kế hoạch cho trẻ LQTA vàtriển khai đến cha mẹ trẻ ngay từ đầu năm học.

Năm học 2022 - 2023, TP Long Xuyên (An Giang) có 29 trường công lập và ngoài công lập, 62 nhóm, lớp độc lập tư thục. Theo ông Dương Kiếm Anh - Trưởng phòng GD&ĐT TP Long Xuyên, 14 trường mẫu giáo, mầm non công lập và 8 trường, 2 lớp mẫu giáo độc lập tư thục đăng ký thực hiện. Các trường đang tiến hành lấy ý kiến phụ huynh về việc tổ chức cho trẻ mẫu giáo LQTA, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất (phòng học, trang thiết bị, học liệu, tài liệu), hợp đồng nhân sự cũng như xây dựng kế hoạch tổ chức và đội ngũ tham gia giảng dạy để trình phòng GD&ĐT thẩm định và duyệt.

Cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh đang vướng ở đâu? ảnh 1

Tài liệu sử dụng cho trẻ làm quen với tiếng Anh ngày càng phong phú.

Đội ngũ, cơ sở vật chất chưa bảo đảm

Xuất phát từ đặc điểm tiếp nhận ngôn ngữ, cha mẹ mong muốn cho trẻ được LQTA sớm, giúp phát triển ngôn ngữ, tạo tiền đề để sau này học tập tốt hơn, tự tin, hòa nhập tốt trong môi trường toàn cầu hóa. Thế nhưng, trong thời gian qua, nhiều nơi chưa tổ chức được cho trẻ mẫu giáo LQTA do chưa đủ điều kiện, nhất là đội ngũ giáo viên tiếng Anh.

Trường Mầm non Trung Hưng 2, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), năm học 2022 - 2023 có 347 trẻ/11 nhóm lớp. Theo cô Hiệu trưởng Trần Thị Việt Nhân, nhà trường đã chủ động lấy ý kiến phụ huynh về việc tổ chức cho trẻ mẫu giáo LQTA. Phụ huynh ở nhóm trẻ mầm non 5 tuổi và có điều kiện đồng tình ủng hộ, với 45% trong tổng số 125 trẻ.

Tổ chức cho trẻ mẫu giáo LQTA, theo bà Ngô Thúy Anh, Trưởng phòng GDMN - Tiểu học (Sở GD&ĐT Đồng Tháp), tỉnh gặp khó khăn về điều kiện đội ngũ giáo viên, tài liệu, cơ sở vật chất, mức thu phí,… Tuy cơ sở vật chất các trường đáp ứng yêu cầu trường chuẩn quốc gia mức độ 1, nhưng vẫn chưa có phòng dành riêng nếu tổ chức học tiếng Anh, chủ yếu tận dụng phòng âm nhạc, thể chất,... Đa số giáo viên chưa có chuyên môn, kỹ năng tiếng Anh nên việc phối hợp với trung tâm dạy Anh ngữ cho trẻ còn hạn chế. Giáo viên thiếu nên thường xuyên thay đổi người trong quá trình giảng dạy, ảnh hưởng đến quá trình học của trẻ.

Khó khăn lớn nhất hiện nay tại TP Long Xuyên là công tác đội ngũ. Chia sẻ điều này, ông Dương Kiếm Anh cho hay: Phần lớn giáo viên tiếng Anh chưa qua chương trình bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm GDMN hoặc phương pháp cho trẻ LQTA. Ngoài ra một số trường công lập chưa có có phòng dành riêng cho trẻ LQTA.

Trong thời gian tới, phòng sẽ phối hợp với Trung tâm tạo nguồn nhân lực phát triển cộng đồng, Trường Đại học An Giang để giới thiệu hoặc liên kết với các đơn vị mở chương trình bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm GDMN hoặc phương pháp cho trẻ LQTA. Đồng thời, phòng đẩy mạnh tuyên truyền, khảo sát các đơn vị chưa tổ chức cho trẻ LQTA để có hướng dẫn kịp thời, qua đó, đáp ứng nhu cầu phụ huynh học sinh, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác giáo dục trẻ mầm non trong thời kỳ hội nhập.

Tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), sau một học kỳ thực hiện cho trẻ LQTA, năm học 2022 - 2023 có 18 trường đăng ký tham gia, tăng 6 trường so với năm học trước. Các đơn vị thực hiện chương trình cho trẻ LQTA luôn đồng hành cùng nhà trường tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên còn một số đơn vị điều kiện cơ sở vật chất chưa phù hợp để phục vụ hoạt động trải nghiệm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh đang vướng ở đâu?