Cô Phạm Thị Hằng, cán bộ phòng tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trường Đại học Bách khoa có rất nhiều ngành, bám sát nhu cầu thực tế. Gần đây đa phần học sinh cho rằng ngành hot trong trường là công nghệ thông tin, tự động hóa, kỹ thuật ô tô, cơ điện tử… Các khối ngành như logictic và quản lý chuỗi cung ứng, ngành phân tích kinh doanh cũng có sức hút rất mạnh so với nhu cầu thực tế. Nhiều em cho rằng lựa chọn ngành hot để có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường. Cô Hằng khuyến cáo, các em nên chọn ngành theo sở thích và năng lực của mình sẽ tốt hơn là chỉ chọn ngành hot.
“Nếu lựa chọn ngành hot mà mình không yêu thích thì rất khó để đam mê, sáng tạo”, cô Hằng nói.
Theo thống kê những năm gần đây, 98,6% sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội ra trường có việc làm sau 6 tháng. Đây là con số rất ấn tượng cho các bạn muốn theo học Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngoài công tác đào tạo, nhà trường còn có nhiều hoạt động ngoại khóa cho các em có thể kết nối, phát huy được khả năng, thế mạnh của mình. Nhà trường có kết nối với doanh nghiệp để sinh viên dễ dàng tiếp cận việc làm sau tốt nghiệp.
Hãy tìm hiểu kỹ ngành mình định chọn để có quyết định đúng. |
Theo TS Vũ Duy Hải, chọn ngành theo sở thích, đam mê song cũng cần có một số tư duy, kỹ năng, tinh thần ham học học với lĩnh vực mà mình chọn. Các em hãy học tốt các môn học gắn liền với ngành học định chọn. Ví dụ định học ngành tự động hóa thì hãy học tốt môn Toán, các môn về tư duy logic, các kỹ năng cần rèn luyện như cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác…
Ngoài ra, khi chọn ngành, thí sinh cần phải lưu ý vấn đề tài chính giữa các ngành học, giữa các hệ đào tạo trong cùng một ngành. Việc cân nhắc này là cần thiết vì cần phải có kế hoạch chuẩn bị kinh phí cho 4 - 5 năm học, thậm chí là 6 - 9 năm đối với khối y dược.
TS. Hoàng Kim Huệ - Giảng viên khoa Quản lí Giáo dục Đại học Sư phạm Hà Nội nhắn nhủ với các em thí sinh đang bước vào giai đoạn chọn ngành, chọn trường, việc chọn được nghề nghiệp phù hợp với sở thích sẽ gia tăng sự thỏa mãn của người đó trong công việc. Do đó, các em nên chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, tính cách của bản thân, xem xét yếu tố năng lực. Ngoài ra, các em cũng nên tìm hiểu xu hướng phát triển của nghề nghiệp trong tương lai, tại môi trường làm việc em mong muốn để có định hướng phù hợp.