Giờ học Ngữ văn tại Trường THPT Ban Mai, Hà Nội. |
Khi lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, theo cô Vũ Thị Tuyết Mai, khó khăn nhất là tìm ngữ liệu phù hợp để vừa có thể tích hợp các kiến thức liên quan về tiếng Việt, tập làm văn vừa rèn cho học sinh kĩ năng trình bày quan điểm cá nhân về một vấn đề nào đó.
Từ khó khăn này, kinh nghiệm được cô Tuyết Mai chia sẻ là: Không lấy các ngữ liệu quá trừu tượng. Ngữ liệu cần ngắn gọn và xác định được các câu hỏi liên quan; đề cập đến các vấn đề giáo dục lối sống, tình yêu quê hương đất nước, gia đình, bạn bè, mái trường, yêu chuộng hòa bình… Tránh những ngữ liệu có thể hiểu theo ý trái chiều hoặc liên quan đến vấn đề chính trị. “Theo tôi, khi lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cho học sinh làm phần đọc - hiểu trong đề kiểm tra là phù hợp.” - cô Tuyết Mai cho biết
Còn theo thầy Trần Minh Tâm, việc tìm ngữ liệu bên ngoài phải dựa trên năng lực chung của các học sinh. Sẽ có sự chênh lệch năng lực trong một lớp, vì thế, trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải đánh giá được năng lực của học sinh để từ đó, chọn những ngữ liệu cho phù hợp.
Khi chọn được ngữ liệu phù hợp thì việc đặt câu hỏi cũng là vấn đề giáo viên cần phải quan tâm. Câu hỏi được đặt ra vừa phải đáp ứng theo yêu cầu ma trận đề kiểm tra đồng thời phải có tính phân hóa nhưng không đánh đố, làm khó học sinh.
“Để giảm bớt áp lực trong học tập với cách đánh giá của chương trình mới, trước khi kiểm tra, bản thân tôi có ôn tập cho học sinh. Bên cạnh đó, tôi gợi ý và định hướng một số nguồn, một số ngữ liệu bên ngoài để các em có hướng tìm hiểu, tự học phù hợp. Từ đó, giúp các em cảm thấy đỡ hoang mang, đạt hiệu quả trong kiểm tra. Khi có kết quả tốt thì học sinh sẽ cảm thấy yên tâm với chương trình và hứng thú trong môn học.” - thầy Trần Minh Tâm chia sẻ kinh nghiệm.