Với chủ trương chú trọng những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, đặt ra vấn đề cấp bách và nóng hổi xung quanh học sinh, chúng tôi đưa khá nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn Việt Nam đang viết về đời sống đương đại. Với văn học thế giới, có những tác phẩm nổi tiếng nhưng chưa bao giờ được dạy ở Việt Nam như truyện “Hoàng tử bé” của Antoine de Saint - Exupéry, bài thơ “Con đường không chọn” của Robert Frost… và có cả văn bản nghị luận của tác giả nước ngoài như “Tôi có một ước mơ” của Martin Luther King, “Cộng đồng và cá thể” của Albert Einstein…
Việc sử dụng tác phẩm mới của nhà văn trẻ dễ gây ra tranh luận vì có sự “cọ xát” giữa những quan điểm khác nhau về dạy học Ngữ văn và chất lượng một tác phẩm văn học.
Với SGK tiểu học, do số chữ của văn bản theo quy định chương trình rất ít nên nhiều trường hợp, tác giả SGK phải cắt gọt, biên tập. SGK cấp THCS và THPT đôi khi cũng vậy. Ngoài ra, việc biên tập văn bản phải theo chuẩn chính tả hiện hành, dựa vào đối chiếu ấn bản những lần in khác nhau để chọn văn bản phù hợp nhất. Trong một số trường hợp còn do khôi phục bản thảo gốc vốn đã bị nhiều văn bản hiện lưu hành (cả trong SGK cũ) làm cho sai lạc.
Việc phiên âm tên riêng nước ngoài cũng có thể làm cho nhiều nhà văn, nhà báo… cảm thấy không hài lòng, chúng tôi cũng không ủng hộ phương án đó, nhưng theo quy định chung thì phải thực hiện. Thông thường, tác giả SGK có liên hệ với tác giả hay người giữ bản quyền để thống nhất về phương án cắt gọt, biên tập. Tuy nhiên, đôi khi việc đó không thực hiện được, nhất là với tác giả đã mất.
Một khó khăn nữa mà tác giả SGK mới gặp phải nhưng công chúng có thể không nhiều người hiểu và chia sẻ, đó là vấn đề bản quyền văn bản. Có những văn bản đặc sắc, phù hợp với hệ thống bài học trong SGK mới nhưng chúng tôi không đưa vào sách vì không có thông tin người nắm giữ bản quyền. Biên soạn SGK trước đây không gặp vướng mắc về vấn đề như vậy.
- Với người trong cuộc, tinh thần tiếp thu thế nào trước những phản biện của xã hội về các ngữ liệu trong SGK bộ mới?
- Nhiều độc giả đặt câu hỏi vì sao không lấy tác phẩm văn học đã quen thuộc, giá trị được khẳng định qua thời gian, thiếu gì bài sao lại chọn bài ấy. Cái gọi là “thiếu gì” là một nhận định rất cảm tính. Có đi sâu vào đời sống văn học, hiểu lịch sử văn học nước nhà và những “kiêng kị” áp dụng cho SGK thì mới biết không phải như vậy.
Xin lấy ví dụ thơ lục bát. Đây là thể thơ truyền thống, một sáng tạo độc đáo từ cha ông ta, nội dung thơ phản ánh đời sống tinh thần phong phú của con người Việt Nam. Chắc hẳn nhiều người sẽ nói: Thơ lục bát thiếu gì bài hay? Nhưng khi tìm một bài thơ lục bát về quê hương, đất nước để đưa vào SGK Ngữ văn 6 thì lựa chọn không có nhiều. Thực tế như vậy, nên hầu hết tác phẩm văn học nổi tiếng một thời và nay còn phù hợp với mục tiêu giáo dục mới đều có mặt trong SGK Tiếng Việt - Ngữ văn, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Như đã nói, có đến 600 văn bản cần phải đưa vào bộ sách, nên cơ hội để các tác phẩm văn học có giá trị đến với người học rất lớn. Tuy vậy, có trường hợp một tác phẩm hay nhưng không đưa được vào SGK vì không có vị trí phù hợp trong mạch triển khai hệ thống bài học. Thật may mắn trường hợp như vậy không nhiều và chúng tôi cân nhắc để đưa vào sách bài tập.
Cô Nguyễn Ngọc Thúy và học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) trong giờ Ngữ văn. Ảnh: NVCC |
- Ông có lưu ý gì đối với giáo viên khi sử dụng ngữ liệu trong SGK, nhất là khi chương trình mới các thầy, cô giáo được trao quyền chủ động cao?
- Ngữ liệu trong SGK môn Tiếng Việt – Ngữ văn, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được lựa chọn kỹ lưỡng, cẩn trọng. Mọi văn bản đưa vào sách đều căn cứ định hướng về ngữ liệu chung của bộ sách và đáp ứng hiệu quả yêu cầu mỗi bài học. Các văn bản này cũng trải qua nhiều vòng góp ý, thẩm định với sự tham gia của chuyên gia, nhà sư phạm uy tín, đặc biệt là thầy, cô giáo có kinh nghiệm dạy học phổ thông.
Tuy vậy, khó có thể nói mọi lựa chọn đều hoàn hảo, nhất là khi việc đánh giá một văn bản văn học phụ thuộc nhiều vào hiểu biết, trải nghiệm, quan điểm thẩm mỹ… của mỗi người tiếp nhận.
Khi SGK được coi như học liệu, tuy quan trọng nhưng không phải là “pháp lệnh” có tính chất “chuẩn” như chương trình, nếu có văn bản chưa thật sự tối ưu, giáo viên có thể lựa chọn văn bản khác, theo đánh giá của thầy cô là phù hợp hơn với học sinh.
Lúc tập huấn, chúng tôi cũng nói rõ, giáo viên không phải dạy hết các văn bản trong SGK. Mỗi bài học có những văn bản giúp học sinh nắm được “mã thể loại”, nhờ vậy, các em có thể đọc văn bản mới. Giáo viên chỉ cần dạy đủ văn bản đó. Còn những văn bản kết nối về chủ đề, chủ yếu khai thác về nội dung hay có chức năng bổ trợ thì giáo viên không nhất thiết phải dạy hết trên lớp mà hướng dẫn học sinh tự đọc ở nhà. Với định hướng mở và linh hoạt về ngữ liệu như vậy không nên quá băn khoăn về một văn bản nào đó có thực sự đặc sắc hay không.
- Từ thực tế này, học sinh, phụ huynh, thầy, cô giáo cần tiếp cận tư liệu trên mạng xã hội thế nào để khai thác nguồn tư liệu cần thiết, hữu ích mà không cả tin và tránh được thông tin xấu độc, thưa ông?
- Mạng xã hội mang lại cơ hội cho chúng ta chia sẻ thông tin rộng rãi và nhanh chóng. Với mạng xã hội, cái tốt lẫn xấu cùng xuất hiện và lan tỏa rất nhanh. Để vừa khai thác được nguồn tư liệu cần thiết, hữu ích mà không cả tin và tránh được thông tin xấu độc, không cách nào khác là nâng cao hiểu biết, nhận thức.
Người tiếp nhận cần có khả năng đánh giá độ tin cậy những gì mình tiếp nhận. Ngoài ra, phải nâng cao trách nhiệm người tiếp cận, chia sẻ thông tin, không nên truyền đi rộng rãi nội dung có động cơ xấu, nguy cơ hủy hoại môi trường giáo dục. Khi để những lời lẽ miệt thị, cay độc về giáo dục lan rộng, cần hiểu rằng con cháu của chúng ta sẽ nhiễm độc những thứ đó.
- Trân trọng cảm ơn ông!
“Ngữ liệu trong SGK Ngữ văn đóng vai trò quan trọng đối với việc dạy học. Nó là chất liệu để tổ chức dạy học, qua đó hình thành nên sản phẩm là phẩm chất, năng lực người học. Vì vậy, chúng tôi luôn trân trọng lắng nghe ý kiến trao đổi, góp ý về SGK nói chung, ngữ liệu nói riêng. Chúng tôi cũng mong nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của xã hội trên cơ sở hiểu rõ mục tiêu việc dạy học Ngữ văn theo chương trình mới và những thách thức mà tác giả SGK phải đối mặt”. - PGS.TS Bùi Mạnh Hùng