Thứ hai, nguyên tắc bất di bất dịch là không chạy theo phong trào, chọn ngành, nghề theo quyết định của người khác, chọn ngành theo phương pháp ngẫu nhiên, chọn nghề không có sự quan tâm đến điều kiện gia đình. Cần xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp của mình trước. Trước tiên, các em hãy liệt kê tất cả những công việc mà mình muốn làm, sau đó hãy chọn ra nghề nghiệp mong muốn nhất.
Thứ ba, dựa vào thế mạnh, sở thích, tính cách, điều kiện của mình để xác định được bản thân phù hợp với ngành, nghề nào. Trong quá trình học tập, sinh sống, các em cảm thấy điểm mạnh của mình là gì và ước muốn của mình là gì, đó chính là động lực để các em đưa ra lựa chọn ngành, nghề phù hợp.
Có ba tiêu chí chính để đánh giá các em có phù hợp với ngành, nghề đó không là kiến thức, kỹ năng và tính cách. Để đánh giá kiến thức, các em phải trả lời được câu hỏi: Ngành học đó yêu cầu người học phải có những kiến thức gì và điểm đầu vào là bao nhiêu? Để đánh giá kỹ năng, các em phải xem ngành học đó cần những kỹ năng gì?
Để đánh giá tính cách, các em phải trả lời câu hỏi: Công việc này đòi hỏi người học có tính cách như thế nào và tính cách của mình có phù hợp với công việc đó không? Ví dụ, các em có thế mạnh về ngoại ngữ sẽ dễ phát triển ở mảng giảng dạy, truyền thông, báo chí, ngoại giao, ngoại thương, hợp tác quốc tế…; các em yêu thích khoa học tự nhiên sẽ có thế mạnh ở khả năng tư duy logic và có thể lựa chọn những ngành kỹ thuật, công nghệ; các em yêu thích môn Sinh học, có thể lựa chọn ngành Y; các em yêu thích môn Hóa học có thể lựa chọn ngành Dược.
Một khi xác định được mong muốn, yêu cầu công việc của mình, các em có thể tìm được ngành, nghề phù hợp giữa một rừng các ngành học khác nhau hiện nay. Chẳng hạn, em nào yêu thích sự ổn định thì có thể hướng tới những công việc văn phòng, giảng dạy, nghiên cứu. Em nào thích sự năng động thì nên hướng tới công việc kinh doanh, marketing. Các em hãy tận dụng các cơ hội để làm một số công việc liên quan tới nghề mình lựa chọn để khám phá năng lực, sở thích, tính cách bản thân mình có phù hợp với nghề đó hay không.
Thứ tư, các em cần quan tâm đến điều kiện kinh tế của gia đình. Có những trường đại học có mức học phí rất cao, có những trường có mức học phí vừa phải. Vì vậy, cần phải cân nhắc điều kiện kinh tế của gia đình trước khi quyết định nộp hồ sơ.
Học sinh lớp 12 Hà Nội tham gia kỳ khảo sát chất lượng. Ảnh: ITN |
Thứ năm, các em có thể tham khảo các thông tin dự báo sự phát triển và nhu cầu nhân lực của các ngành, nghề hoặc xu hướng tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp để tìm hiểu về khả năng và xu hướng phát triển. Trên cơ sở đó và sở thích của mình, các em so sánh để có quyết định phù hợp. Không phải cứ thích, cứ đam mê là có thể thành công. Các em cần có những nghiên cứu, đánh giá về xu hướng xã hội, sự thay đổi của xã hội để có thể chọn cho mình con đường đi đúng đắn nhất cho ngành mà các em dự định theo nó suốt đời.
Thứ sáu, các em nên chọn ngành, nghề trước và chọn trường sau. Chúng ta phải xác định danh mục một số ngành, nghề phù hợp dựa trên những yếu tố kể trên, tìm hiểu thật kỹ về các ngành, nghề đó, ví dụ: Triển vọng nghề nghiệp, thu nhập, kỹ năng công việc… các em có thể tìm hiểu trên các kênh thông tin truyền thông, hỏi ý kiến người thân, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, thầy cô…, các em cũng có thể tới các công ty, thư viện, trung tâm giáo dục để có thêm nhiều thông tin tư vấn, tài liệu tham khảo… từ đó đánh giá sở thích và khả năng của mình xem phù hợp với ngành, nghề nào.
Sau khi đã xác định được nghề nghiệp cụ thể, các em tìm đến những ngành đào tạo nghề nghiệp đó tại các trường đại học, tìm hiểu chương trình đào tạo, học phí, tỷ lệ sinh viên có việc sau khi tốt nghiệp, môi trường học tập, sinh hoạt ngoại khóa tại trường, mức điểm chuẩn các năm trước. Nên chọn cả ba nhóm ngành xét tuyển. Nhóm thứ nhất là nhóm ngành các em yêu thích nhất. Nhóm hai là nhóm ngành các em mong muốn học và có nhiều cơ hội đỗ. Nhóm ba là nhóm ngành giúp các em không bị trượt đại học, có một trường dự phòng chắc chắn thi đỗ.
Thứ bảy, cần tìm hiểu điểm trúng tuyển của ngành, nghề đó ở trường các em muốn đăng ký xét tuyển vào trong những năm gần đây để so sánh với năng lực học của bản thân để dự kiến khả năng trúng tuyển của trường. Việc chọn ngành cũng cần tham khảo các thông tin tuyển sinh của các trường về khả năng phát triển của ngành, cơ hội được tuyển dụng sau khi ra trường và các đặc điểm chủ quan của bản thân. Sau cùng, với ngành đã xác định, trường nào có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn cùng với những điều kiện khác sẽ là căn cứ quan trọng để giúp các em tự tin lựa chọn và đăng ký dự tuyển.
Thứ tám, hiện nay trên mạng có rất nhiều trường đại học có những bài trắc nghiệm tâm lý hoặc các em có thể tự thực hiện các bài kiểm tra, khảo sát trên báo chí. Các bài trắc nghiệm nghề nghiệp sẽ tìm ra đặc điểm nhóm tính cách, các kỹ năng công việc, ưu, nhược điểm, nghề nghiệp phù hợp của từng cá nhân, mang đến cái nhìn tổng thể về công việc tương lai.
Khi lựa chọn ngành, nghề, nếu vừa phù hợp với sở thích vừa hợp với xu hướng phát triển của xã hội là điều rất tốt, nhưng không phải lúc nào mình cũng gặp thuận lợi và may mắn nếu không nỗ lực và cân nhắc. Ở lứa tuổi 18 còn non nớt, trừ những em không có đủ năng lực học đại học hoặc kinh tế gia đình quá khó khăn không thể nuôi con học đại học thì mới nên đi học nghề.
Còn các em khác có đủ năng lực học đại học, gia đình có khả năng kinh tế nuôi các em học đại học thì nên cố gắng hết sức để đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới. Bởi lẽ, nếu các em muốn có nhiều cơ hội phát triển năng lực của bản thân, muốn trở thành người thành đạt, có địa vị xã hội, kiếm được nhiều tiền thì đầu tiên cần phải là người có trình độ. Đất nước muốn phát triển kinh tế cần có lực lượng lao động có trình độ cao làm việc. Đừng bỏ cuộc khi các em chưa cố gắng nhé.
Điều tôi muốn nhắn nhủ tới học sinh sẽ tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 rằng: Chọn ngành, chọn nghề, chọn trường sao cho đúng như là chìa khóa thành công cho mình thì các em sẽ thi đỗ đại học. Các bạn thi đỗ đôi khi chưa hẳn đã giỏi hơn người khác, đơn giản là các bạn ấy có chiến lược lựa chọn đúng đắn. Các em hãy nhớ rằng, tất cả bằng cấp đều có giá trị pháp lý và giá trị sử dụng ngang nhau. Điều quan trọng là sau khi trúng tuyển các em sẽ học như thế nào để có đủ kiến thức, kỹ năng, sau khi ra trường thuyết phục được các nhà tuyển dụng, làm được việc đáp ứng yêu cầu của cơ quan và luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với sự lựa chọn của mình.