Sau khi nghiên cứu, đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án 1A. Bởi đây là phương án có chiều dài xây dựng ngắn nhất; tổng mức đầu tư thấp nhất, với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh có tổng mức đầu tư khoảng 34.000 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe phân kỳ khoảng 25.700 tỷ đồng.
Trong đó, đoạn Nha Trang - Đà Lạt có tổng mức đầu tư khoảng 19.700 tỷ đồng, đoạn Đà Lạt - Liên Khương hơn 4.400 tỷ đồng.
Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuyến đi song song quốc lộ 27C với khoảng cách từ 1 - 7 km, thuận tiện trong việc kết nối với hệ thống giao thông hiện có của khu vực, có tác dụng hỗ trợ khi quốc lộ 27C gặp sạt trượt trong mùa mưa bão.
Về quy mô đầu tư, phạm vi nghiên cứu cho toàn tuyến Nha Trang - Liên Khương để đảm bảo tính kết nối đồng bộ với các dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương. Tuy nhiên, do nhu cầu vận tải và tính khả thi cho dự án BOT, trước mắt chỉ đầu tư đoạn nối từ Nha Trang đến Đà Lạt.
Theo đó, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có điểm đầu Km0 giao với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa); điểm cuối tại Km81+500 (ngã ba Đarahoa, phường 12, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).
Tổng chiều dài xây dựng khoảng 81,5 km; trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa khoảng 44 km, qua địa phận tỉnh Lâm Đồng khoảng 37,5 km.
Đối với quy mô đầu tư, làm một lần với quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch đường rộng từ 22 đến 24,75 m; nếu làm theo hai giai đoạn thì đầu tư quy mô 4 làn xe tương tự cao tốc Bắc - Nam phía Đông, mặt cắt ngang 17 m, bố trí làn dừng xe khẩn cấp không liên tục.
Tại cuộc họp, lãnh đạo hai tỉnh thống nhất cao đề xuất chủ trương đầu tư cao tốc Nha Trang - Liên Khương, nhưng trước mắt chỉ làm đoạn nối Nha Trang với Đà Lạt với quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe.
Lãnh đạo hai tỉnh yêu cầu nhà đầu tư cùng đơn vị tư vấn cần tính toán, làm rõ mục tiêu đầu tư tuyến đường cao tốc này. UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất dự án; tỉnh Lâm Đồng sẽ phối hợp với tỉnh Khánh Hòa trong việc hoàn thiện các thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư để báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Về hướng tuyến, lãnh đạo hai tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục đi khảo sát thực tế; các sở, ngành sớm tham mưu ý kiến các nội dung liên quan.