Giáo dục

Chủ biên chương trình Ngữ văn nói về thoát ly ngữ liệu SGK trong đề thi

14/08/2024 10:56

Yêu cầu đề thi không ra lại văn bản trong SGK xuất phát từ định hướng đánh giá năng lực; khắc phục tình trạng học thuộc, sao chép tài liệu.

Chủ trương không mới

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018 cho biết: Chủ trương kiểm tra, đánh giá với yêu cầu không sử dụng ngữ liệu trong SGK trong đề thi được công bố từ rất sớm với các mốc thời gian và có văn bản pháp lý rõ ràng sau đây:

Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT công bố Chương trình GDPT 2018 môn Ngữ văn. Trong Chương trình này, phần định hướng đánh giá đã nêu rõ chủ trương “tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm.”.

Đến năm 2022 Bộ GD&ĐT lại có Công văn 3175/ BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Công văn nêu rõ: Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm, cuối cấp, học tránh dùng lại các văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài và sao chép những nội dung tài liệu có sẵn.

Cuối năm 2023, Bộ GD&ĐT tiếp tục công bố cấu trúc định dạng đề thi môn Ngữ văn với Quyết định 764/QĐ-BGDĐT quy định về cấu trúc định dạng đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Trong đó quy định rõ đề thi phải sử dụng ngữ liệu mới, các văn bản không có ở SGK theo Chương trình 2018.

Đồng thời, tháng 4, tháng 5/2024, Bộ GD&ĐT đã thực hiện Kế hoạch số 336 ngày 8/4/2024 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về tập huấn xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cho cốt cán 63 tỉnh thành. Trong các đợt tập huấn SGK mới, các báo cáo viên đều đã nêu rõ chủ trương kiểm tra đánh giá bằng các văn bản ngữ liệu mới. Hầu hết giáo viên cả nước đều đã hiểu và nắm được yêu cầu mới này.

Đổi mới với câu nghị luận văn học

Cũng theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, yêu cầu không sử dụng ngữ liệu đã học trong SGK thực ra chỉ đổi mới tiếp ở câu nghị luận văn học. Từ năm 2015, ở Kỳ thi THPT quốc gia, đề thi Ngữ văn đã có yêu cầu đọc hiểu một văn bản không có trong SGK và viết nghị luận xã hội gắn với văn bản đọc hiểu ấy.

Tức là, với câu đọc hiểu và nghị luận xã hội, từ năm 2015, học sinh đã không chép được văn mẫu. Duy nhất câu nghị luận văn học, cho đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa qua vẫn chưa đổi mới, vẫn còn ra lại các tác phẩm đã học ở lớp 12.

Như thế, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 bắt đầu thay đổi theo yêu cầu đánh giá của Chương trình GDPT 2018, nhưng thực chất chỉ đổi mới ở câu nghị luận văn học, còn câu đọc hiểu và nghị luận xã hội thì vẫn kế thừa và tiếp tục như Chương trình GDPT 2006.

ScreenHunter_158 Aug. 14 09.47.jpg
PGS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh:Internet.

Giáo viên cần làm gì?

Việc yêu cầu đề thi không ra lại các văn bản đã học xuất phát từ định hướng đánh giá năng lực. Việc khắc phục tình trạng học thuộc và sao chép tài liệu có sẵn chỉ là hệ quả của chủ trương chuyển từ đánh giá nội dung sang đánh giá năng lực.

Đánh giá nội dung hướng vào việc kiểm tra học sinh thuộc và nhớ được những điều đã học. Đánh giá năng lực yêu cầu học sinh biết vận dụng những điều đã học vào một tình huống mới, một bối cảnh có ý nghĩa.

Với môn Ngữ văn, bối cảnh và tình huống mới ấy chính là văn bản ngữ liệu mới. Học sinh phải viết vận dụng cách đọc hiểu và cách viết đã học để hiểu một văn bản mới tương tự và viết được một văn bản theo yêu cầu của đề thi.

Nếu chỉ hỏi lại các văn bản đã học thì chỉ là kiểm tra trí nhớ, những điều học sinh đã học và thuộc; tức kiểm tra nội dung, không đo được năng lực thực của người học.

Đánh giá theo hướng năng lực sẽ phân hóa được học sinh và bảo đảm sự công bằng trong đánh giá. Các học sinh có năng lực ngữ văn sẽ làm tốt bài thi. Một bộ phận lớn sẽ làm chưa tốt sẽ có điểm trung bình và một số không ít học sinh sẽ làm bài không tốt, không đạt yêu cầu phải chịu điểm thấp hơn. Điều này là công bằng và đúng thực tế, đúng hiện trạng học tập môn Ngữ văn.

Hệ quả của đánh giá năng lực nêu trên sẽ khắc phục được tình trạng học sinh chỉ học thuộc, chép lại các bài văn mẫu, các tài liệu đã chuẩn bị sẵn. Nói cách khác sẽ thủ tiêu việc dạy và học theo văn mẫu, chép lại văn mẫu. Vì không thể biết và không thể đoán được đề thi sẽ ra đọc hiểu vào loại văn bản, thể loại và văn bản cụ thể nào; cũng như không thể đoán được đề yêu cầu viết kiểu bài gì? Nếu yêu cầu phân tích thì phân tích tác phẩm cụ thể nào cũng không thể biết...

Như thế với yêu cầu đánh giá mới, giáo viên chủ yếu cần tập trung dạy học học sinh cách đọc hiểu một văn bản theo thể loại và cách viết một văn bản theo một kiểu bài nào đó; không thể dạy theo kiểu học tủ, đoán mò, học thuộc để chép lại tài liệu được nữa.

Trước yêu cầu đổi mới câu nghị luận văn học, rất nhiều giáo viên lo học sinh sẽ không biết viết gì. Đó là một thực tế cần quan tâm, giải quyết.

Cách duy nhất là cần tập cho học sinh cách viết các dạng bài như Chương trình đã nêu lên. Học sinh đã học cách viết này từ các lớp dưới. Tuy nhiên, cũng phải chấp nhận một số học sinh viết sẽ không tốt câu nghị luận văn học.

Nhưng câu nghị luận văn học tối đa cũng chỉ 4 điểm, còn phần đọc hiểu và nghị luận văn học không có gì khác trước. Học sinh vẫn có thể có điểm trung bình để vượt qua kỳ thi này.

Cái được của việc thi môn Ngữ văn theo năng lực là giáo viên sẽ không phải chấm lại các bài văn của chính các thầy cô đã viết, đã dạy. Học sinh nào có năng lực văn học sẽ có cơ hội để thể hiện và bảo đảm được sự công bằng trung thực trong đánh giá kết quả của nghị luận văn học... Khó khăn không ít, nhưng cái được sẽ nhiều hơn.

Bài liên quan
Không dùng ngữ liệu SGK ra đề thi Ngữ văn: Những lưu ý trong dạy học (bài 1)
Trong năm học này, đồng bộ cả 3 cấp học đều thực hiện đủ chương trình Ngữ văn mới ở tất cả các khối lớp.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ biên chương trình Ngữ văn nói về thoát ly ngữ liệu SGK trong đề thi