Trường Tiểu học Lê Lợi (TP Vinh) có đông học sinh bậc nhất tỉnh Nghệ An với hơn 2.200 em. Cô Nguyễn Thị Quyên – Hiệu trưởng nhà trường - nhớ lại, thời điểm bắt đầu trở lại dạy học trực tiếp của năm học 2021 - 2022, nhiều phụ huynh còn e ngại, vì sợ trường sĩ số lớn, nguy cơ lây nhiễm cao.
Tuy nhiên, chỉ sau 1 tuần, học sinh đến trường đông đủ, tỷ lệ tham gia bán trú tăng từ 80% lên đến hơn 90%. Việc dạy học trực tiếp kết hợp online được thực hiện linh hoạt, nhịp nhàng trong trường hợp có học sinh, giáo viên F0. Vì thế, năm học 2022 - 2023, phụ huynh và học sinh đã tin tưởng vào kế hoạch và phương án dạy học của nhà trường.
Lớp học trực tuyến vẫn duy trì trong trường hợp giáo viên là F0 tại Trường THCS Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An. |
Theo cô Nguyễn Thị Quyên, dù đang dạy học trực tiếp nhưng nhà trường vẫn duy trì dự phòng mỗi khối 2 camera có kết nối với máy tính, mạng Internet để học trực tuyến. Giả sử có học sinh F0, nếu sức khỏe cho phép có thể theo dõi, tham gia lớp học qua Zoom. Còn trường hợp sốt cao, mệt, nghỉ buổi nào giáo viên sẽ giảng lại sau khi em quay lại trường. Bên cạnh đó, giáo viên nếu mắc Covid-19, cũng tùy tình trạng sức khỏe để đăng ký dạy trực tuyến tại nhà hoặc báo nghỉ để nhà trường bố trí thầy cô khác dạy thay.
Hiệu trưởng Trường THCS Lê Mao (TP Vinh) - cô Nguyễn Thị Thanh Thu - cũng cho hay, nhà trường đã phủ wifi tất cả phòng học. Nhiều phòng học trang bị đầy đủ máy chiếu, camera... kết nối Internet. Một mặt ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, mặt khác để sử dụng trong tình huống có học sinh, giáo viên tạm nghỉ đến trường do dịch Covid-19.
Năm học trước, cô Nguyễn Thị Quỳnh Chi là người đầu tiên của trường đăng ký dạy trực tuyến tại nhà khi phát hiện mình là F0. Thời điểm đó, cô là Tổng phụ trách Đội và dạy 4 tiết/tuần môn GD Công dân cho khối 6 và khối 8. Qua 3 ngày đầu sốt cao và mệt mỏi, khi sức khỏe ổn định, cô chủ động xin dạy học qua Zoom dù đang cách ly tại nhà.
Cô Quỳnh Chi chia sẻ, đến nay thao tác ứng dụng công nghệ thông tin, dạy học trực tuyến khi bản thân là F0 đã thành kỹ năng, được sử dụng thường xuyên. Tương tự, cô Trần Thị Triền – dạy môn Vật lý đã thành thạo soạn giáo án điện tử. Vì vậy, cô có thể linh hoạt triển khai dạy học trực tiếp lẫn trực tuyến khi cần thiết mà không mất thời gian làm quen hay gặp khó khăn gì.
Không chỉ giáo viên mà học sinh cũng đã hình thành kỹ năng, phương pháp dạy học trực tiếp lẫn trực tuyến, sẵn sàng chuyển đổi khi có tình huống dịch bệnh xảy ra mà không bỡ ngỡ. Em Nguyễn Hà An (HS Trường THPT Diễn Châu 4, huyện Diễn Châu) cho biết: “Năm ngoái, lớp em có nhiều bạn F0 nhưng vẫn tham gia bình thường qua livestream tiết học trên lớp. Mặc dù thích học trực tiếp hơn nhưng nếu là F0, em vẫn sẵn sàng học online để không bỏ lỡ kiến thức”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An - đánh giá, dịch bệnh Covid-19 đặt ra cho các nhà trường, giáo viên và cả học sinh yêu cầu linh hoạt hình thức dạy học tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay và cả tương lai, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Trong đó, dạy học trực tuyến sẽ mở ra hình thức dạy học thứ 2 trong điều kiện không thực hiện được dạy học trực tiếp.
Việc dạy học sẽ không còn gói gọn trong không gian lớp học cụ thể, mà có thể mở ra phạm vi rộng lớn hơn. Về phía sở, thời gian qua đã triển khai nhiều đợt đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên để nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng hiệu quả của dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp.