Theo tôi, học sinh vùng thành thị hoặc những nơi có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, thể trạng còn phát triển hơn nữa. Vì thế, một số tiêu chuẩn bàn ghế học sinh theo Thông tư 26 không còn phù hợp. Bộ GD&ĐT, các cơ quan hữu quan, địa phương cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26. Theo đó, nên điều chỉnh theo hướng tăng kích thước của bàn, ghế để phù hợp với thể trạng của học sinh hiện nay.
Nên chăng giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục trong việc mua sắm bàn ghế, vì chỉ có thầy, cô giáo trong trường mới hiểu và nắm vững thể trạng của học sinh. Trên cơ sở khảo sát sẽ có “thiết kế” riêng (nếu cần) cho những học sinh thuộc diện đặc biệt, bảo đảm trò nào cũng có bàn ghế học tập phù hợp với thể trạng. Muốn vậy, các quy định cần có độ mở, linh hoạt để cơ sở giáo dục và địa phương có thể vận dụng. Tất nhiên, thông tư hoặc văn bản hướng dẫn cũng cần có những quy chuẩn chung ở mức tối thiểu để các trường có “điểm tựa” khi triển khai.
Ông Lê Tuấn Tứ. Ảnh: Quochoi.vn |
Thông tư số 26 quy định bàn ghế trong trường học được chia thành 6 cỡ số cho học sinh có chiều cao từ 1m - 1,75m. Mỗi cỡ số được quy định cụ thể về kích thước cơ bản của bàn ghế, cách bố trí bàn ghế trong phòng học, bảo đảm phù hợp với đa số học sinh có thể trạng bình thường.
Thông tư số 26 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2011, đến nay được hơn 12 năm, do đó có thể có một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Bởi thể trạng của học sinh khác nhiều so với 10 năm trước đây. Nhất là các thành phố, thị xã, thị tứ… điều kiện kinh tế, xã hội phát triển nên các em được nuôi dưỡng tốt; do vậy, thể trạng cũng phát triển hơn trước. Nhiều học sinh lớp 8, lớp 9 đã có chiều cao hơn 1,7m; thậm chí là 1,7m - 1,8m. Vì thế, một số quy định về tiêu chuẩn bàn ghế tại Thông tư 26 cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 26 cần được làm bài bản, khoa học dựa trên nghiên cứu khảo sát thực tiễn và phân tích chuyên môn về sức khỏe học đường. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tổ chức khảo sát tại tất cả vùng, miền trên cả nước nhằm đánh giá thực tế thể trạng học sinh. Trên cơ sở đó mới có thể đưa ra quy chuẩn sát với thực tế. Các quy chuẩn nên có tầm nhìn ít nhất ở mức trung hạn, tránh bị “lạc hậu” sau một vài năm thực hiện.
Tuy nhiên, khi Thông tư 26 vẫn có hiệu lực và chưa được điều chỉnh, các địa phương nên chủ động khảo sát, đánh giá thực tế thể trạng học sinh trên địa bàn để lựa chọn kích cỡ số bàn ghế phù hợp. Các địa phương, trường học không nên máy móc thực hiện khi nhận thấy bất cập về kích thước bàn ghế với thể trạng của các em. Hãy nghĩ đến những gì tốt đẹp nhất và coi các em là trung tâm của mọi hoạt động về giáo dục, dạy học.
“Chúng tôi mong muốn và đề xuất, các lớp học được đầu tư, trang bị những bộ bàn ghế thông minh. Theo đó, bàn ghế có thể nâng lên, hạ xuống hoặc thu gọn… nhằm đáp ứng nhu cầu của từng học sinh”, cô Hà Thị Thu nói.