"Chứ không thể muốn doanh nghiệp lớn là lớn ngay được. Cần phải có thời gian và từng bước một để phát triển đội ngũ doanh nghiệp", bà nói.
Nhắc lại mục tiêu tại Nghị quyết 45 mà Chính phủ vừa ban hành cách đây hai ngày là "phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất hai triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế".
Bà Nga cho rằng, mục tiêu năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp nhưng đến nay mới chỉ có 800.000 doanh nghiệp tư nhân là một thách thức rất lớn. Để đạt được con số này cần có một chính sách hỗ trợ đặc biệt để nâng tầm hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp siêu nhỏ.
Nếu không trong hai năm tăng thêm gần 700.000 doanh nghiệp mà một mục tiêu rất khó khả thi nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Bà cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng như phát triển nền tảng công nghệ số, cần có những chương trình, chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ số, đưa cho doanh nghiệp những gói công nghệ để áp dụng phù hợp với quy mô từng nhóm. Doanh nghiệp lớn thì áp dụng gói gì, doanh nghiệp nhỏ có gói ưu đãi công nghệ gì, hộ kinh doanh cá thể khi lên doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng chính sách, công nghệ gì, bà Nga đề xuất.
Chủ tịch BRG cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp tư nhân phải nỗ lực thì mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đừng trông đợi vào giải cứu từ bên ngoài thì sẽ không khả thi. Doanh nghiệp chỉ mong một sự hỗ trợ, dẫn dắt từ chính sách vĩ mô để làm động lực vượt qua giai đoạn khó khăn.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa cũng cho rằng, mặc dù về vấn đề tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp tư nhân trong thời gian qua được quy định khá cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng trên thực tế, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thủ tục giấy tờ hồ sơ vay vốn rườm rà, nhiều ràng buộc, không nhất quán; sự phối hợp giữa các ngân hàng thương mại và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thiếu thống nhất, dẫn đến sự cứng nhắc trong thủ tục, hồ sơ, quá trình thẩm định vay vốn kéo dài, nhiều tiêu chí khắt khe quá mức, chưa tháo gỡ được những khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện thực tế.
Từ đó, ông Cao Tiến Doan và một số doanh nghiệp đề nghị ngành Ngân hàng kịp thời có hướng giải quyết những vấn đề tồn đọng nêu trên, giúp doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và tiếp cận được các nguồn vốn. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro.
Các ngân hàng thương mại cổ phần cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên phụ trách tín dụng, cho vay để tư vấn, hỗ trợ kịp thời, an toàn, hiệu quả cho doanh nghiệp khi có nhu cầu vay.
Tăng cường thanh kiểm tra, rà soát các quy trình, quy định nội bộ, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn để có những giải pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời, giúp doanh nghiệp hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra. Đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và có chế tài xử lý nghiêm để tránh lợi dụng, thực hiện sai chính sách vay vốn để trục lợi.