Mặc dù báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Hà Nội còn 2 năm nữa mới báo cáo nhưng theo ông Trần Sỹ Thanh, cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội hết sức phấn khởi khi Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm đến sự nghiệp phát triển của Thủ đô.
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, sẽ nghiên cứu để cụ thể những việc mà thành phố chưa làm được.
Về mã định danh cá nhân đối với xe ôtô, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề xuất với Quốc hội quan tâm đến việc mỗi xe ôtô cần có 1 mã định danh riêng. Trong đó, luật pháp yêu cầu mỗi xe ôtô phải có thẻ và tài khoản có số dư.
Đối với việc sử dụng hạn mức tiền vay nợ, ông Trần Sỹ Thanh cho rằng, cần có mức trần, nguồn tiền dự trữ để thực hiện các dự án lớn của Thủ đô.
Đánh giá tác động chính sách với đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người dân
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần phân tích đánh giá thêm kết quả thực hiện Nghị quyết, hiệu quả mang lại về kinh tế, xã hội, đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người dân.
Cần đánh giá kỹ hơn các cơ chế chính sách thí điểm, kết quả và tác động cụ thể của từng chính sách đã thực hiện, khó khăn vướng mắc và giải pháp triển khai chính sách chưa thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Hà Nội tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 115, có lộ trình nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật khi kết thúc các cơ chế chính sách thí điểm.
Nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về cơ chế chính sách cho Hà Nội sửa đổi Luật Thủ đô để áp dụng khi hết thời hạn Nghị quyết 115.