(GDTĐ) - Tại tòa, Chủ tịch Tân Hoàng Minh khai, ngay từ khi phát hành trái phiếu, ông không nghĩ đó là chiếm đoạt tiền mà chỉ nghĩ là hoạt động phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Chiều 19.3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Công ty Tân Hoàng Minh).
Nộp thừa hơn 1 tỉ đồng, đủ trả cho bị hại
Trở lại phòng xử án sau thời gian bị cách ly, bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) khai rằng bản thân là người đề ra chủ trương phát hành trái phiếu và giao cho con trai là Đỗ Hoàng Việt làm.
Theo lời khai của ông Dũng, năm 2021, do nhu cầu vốn của Tân Hoàng Minh ngày càng cần thiết, bị cáo có trao đổi với Việt là cần thêm các nguồn huy động khác nữa (ngoài ngân hàng). Sau đó, Việt có đề xuất việc phát hành trái phiếu. Ông Dũng cho hay bản thân được biết kênh trái phiếu này là hiệu quả.
Tại tòa, ông Dũng nói rõ: “Tôi chỉ ra chủ trương lớn; đi vào chi tiết thì tôi không chỉ đạo”.
Để phát hành được trái phiếu, ngoài việc các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, Viện KSND tối cao còn nêu rõ các bị cáo đã ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống”, thể hiện việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 3 công ty phát hành theo các hợp đồng hợp tác đầu tư, tạo lập giá trị “ảo” các gói trái phiếu.
VKS xác định các bị cáo đã sử dụng tài sản của chính những hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu. Từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỉ đồng.
Liên quan đến nội dung mà Tân Hoàng Minh “chạy dòng tiền ảo”, ông Dũng cho biết trên góc độ dòng tiền thì đó là “ảo” nhưng 3 công ty Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông đều là sở hữu của ông.
Từ việc tạo dựng hồ sơ phát hành trái phiếu đến việc chạy dòng tiền “ảo”, ông Dũng thừa nhận sai phạm, thừa nhận bản thân có trách nhiệm.
Theo lời khai của Chủ tịch Tân Hoàng Minh, ngay từ khi phát hành trái phiếu, ông không nghĩ đó là chiếm đoạt tiền mà chỉ nghĩ là hoạt động phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. “Thời điểm đó, suy nghĩ và hiểu biết pháp luật của tôi chưa đầy đủ, nhưng khi làm việc với CQĐT, tôi đã nhận thấy sai phạm”, ông Dũng phân trần.
Tại tòa, Chủ tịch Tân Hoàng Minh cho biết khi bị bắt tạm giam, CQĐT đã giải thích về những sai phạm của ông trong vụ án này, bị cáo đã nhận thức được nên đã viết đơn đề nghị được khắc phục tối đa hậu quả.
Ngoài ra, ông Dũng cũng đề cập tới việc bản thân có nộp thừa hơn 1 tỉ đồng và khẳng định với số tiền đã nộp, có thể đủ để trả cho các bị hại.
Nhiều thiếu sót trong quá trình kiểm toán
Trước đó, các bị cáo khác đã thừa nhận cáo trạng truy tố của VKS là đúng, không oan. Cụ thể, bị cáo Bùi Thị Ngọc Lân (Giám đốc Công ty Kiểm toán Nam Việt – chi nhánh phía Bắc) thừa nhận trong quá trình thực hiện kiểm toán, bà đã không tiến hành kiểm tra một số hạng mục quan trọng, không thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán, không tiến hành đối chiếu tài liệu gốc nhưng vẫn ký phát hành Báo cáo kiểm toán độc lập.
Điều này đã tạo điều kiện để cho Tân Hoàng Minh phát hành 5 gói trái phiếu, giúp sức cho Đỗ Anh Dũng chiếm đoạt số tiền hơn 4.563 tỉ đồng của bị hại.
Bị cáo Nguyễn Thị Hải (Phó tổng giám đốc Công ty CPA Hà Nội) cũng thừa nhận sai phạm trong việc ký các chứng từ hợp thức thủ tục theo quy trình kiểm toán, soát xét Báo cáo tài chính.
Khi nhận được dự thảo Báo cáo kiểm toán độc lập năm 2020 của Công ty Cung Điện Mùa Đông, mặc dù biết báo cáo chưa đủ cơ sở để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần nhưng Hải đã thực hiện chỉ đạo của Lê Văn Dò (Tổng giám đốc Công ty CPA Hà Nội), ký phát hành Báo cáo kiểm toán độc lập đối với Báo cáo tài chính năm 2020 của Công ty Cung Điện Mùa Đông, với ý kiến dạng chấp nhận toàn phần.
Điều này đã tạo điều kiện cho Tân Hoàng Minh phát hành 3 gói trái phiếu, giúp sức cho Đỗ Anh Dũng chiếm đoạt số tiền hơn 3.768 tỉ đồng của bị hại.
Tuy nhiên, theo lời bà Hải, việc ký kết trên, bà thực hiện theo chỉ đạo của ông Dò. “Bị cáo đã quá tin tưởng anh Dò nên nhận thức chưa đúng, dẫn đến sai phạm”, bị cáo Hải phân trần và thấy bản thân phải chịu trách nhiệm một phần.
Theo cáo trạng, quá trình kiểm toán, các cá nhân tại 2 công ty kiểm toán (Công ty Kiểm toán Nam Việt – chi nhánh phía Bắc và Công ty Kiểm toán và Kế toán Hà Nội – CPA Hà Nội) đã không thực hiện đúng nhiệm vụ, hợp thức báo cáo kiểm toán giúp Tập đoàn Tân Hoàng Minh đủ điều kiện phát hành 9 gói trái phiếu.
Cụ thể, kết quả kinh doanh của 3 công ty Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông đều không đủ điều kiện để phát hành trái phiếu. Lãnh đạo Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã chỉ đạo nhân viên tìm đến công ty kiểm toán và “bắt tay” nhau hợp thức hóa các báo cáo tài chính không đúng thực tế.
Từ đó, nhóm công ty Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông đạt điều kiện “có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện”, phát hành hồ sơ chào bán trái phiếu.