Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho thanh niên được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, tạo việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho thanh niên.
Do đó, theo ông Thuận, các cơ quan chức năng cần có giải pháp trình Chính phủ để ưu tiên nguồn vốn cho thanh niên. Ở cấp địa phương, ngân hàng chính sách đang phối hợp với tổ chức đoàn xây dựng các đề án cho thanh niên khởi nghiệp để có thể huy động nguồn vốn hỗ trợ thanh niên ở các địa phương.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng nhấn mạnh cần phải chú trọng lồng ghép hỗ trợ việc làm cho thanh niên vào quá trình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Giai đoạn “dân số vàng” của Việt Nam đang trôi dần về những năm cuối (dự báo khoảng năm 2039) và giai đoạn già hóa dân số đến nhanh. Sự thay đổi này đặt ra ngày càng nhiều thách thức đối với nhóm dân số trong lực lượng lao động, trong đó thanh niên sẽ phải gánh vác nhiều trọng trách hơn cả về việc làm và an sinh xã hội. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh, Chính phủ cần phải có những chính sách hỗ trợ việc làm kịp thời cho thanh niên.
Các chuyên gia nhận định rằng, hệ thống chính sách việc làm tương đối đồng bộ nhưng còn thiếu các chính sách riêng nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho thanh niên, nhất là sinh viên, thanh niên nông thôn.
Ngoài ra, các chính sách ưu đãi đối với thanh niên làm việc ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa thực sự hấp dẫn. Một bộ phận lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp không trở về địa phương, gây sức ép về việc làm ở khu vực thành thị, tiềm ẩn các nguy cơ tiêu cực xã hội đối với thanh niên.
Cùng với đó, hiện nay mới chỉ có đối tượng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự là được cấp thẻ học nghề còn đối tượng là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện chưa được cấp thẻ đồng thời các đối tượng này chưa được Nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Kiến nghị về giải pháp, ông Đinh Ngọc Quý cho rằng cần quan tâm xem xét nghiên cứu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ thông qua việc đề xuất chính sách cụ thể nhằm tận dụng những cơ hội nghề nghiệp cho lao động trẻ. Trong đó, cần quan tâm cải thiện về kỹ năng số, trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề cao cho lao động thanh niên.
Còn ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, tháng 4 vừa qua, ông cùng đoàn công tác khảo sát thực tế, gặp gỡ lao động tại 3 tỉnh ở phía Nam, thì thấy một thực tế đáng báo động, đó là tình trạng công nhân, đặc biệt là lao động trẻ bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhận trợ cấp thất nghiệp rất nhiều. Tỉ lệ mất việc làm của lao động ở miền Nam cao hơn miền Bắc rất nhiều.
Theo ông Tiến, với tình trạng giảm giờ làm, giảm thu nhập, mất việc làm rất cao hiện nay, thì cứu trợ, hỗ trợ cho lao động là rất quý. Nhưng điều quan trọng nhất, gốc giải quyết vấn đề là cần tạo công ăn việc làm cho lao động.