Bà Trần Phương Hoa - Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục Summit. Ảnh NVCC. |
Với kinh nghiệm của mình, chị Hoài Phương chia sẻ, sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài và có ý định trở về nước làm việc, các bạn cần chuẩn bị cho mình một định hướng rõ ràng về môi trường làm việc, mức lương cũng như những yêu cầu của các nhà tuyển dụng ở Việt Nam.
Ví dụ, nhiều bạn du học sinh sau khi trở về nước thường mơ mộng quá nhiều về mức lương mình có thể nhận được cao hơn các bạn trong nước và cho rằng tấm bằng sẽ “có giá” hơn học trong nước... Tuy nhiên, nhà tuyển dụng sẽ dựa trên những đóng góp thực tế của các bạn cho công ty để đánh giá và đưa ra mức lương phù hợp.
Nếu bạn làm việc không tốt, không linh hoạt, xử lý tình huống kém thì bạn chắc chắn không được đánh giá cao. Điều mà các nhà tuyển dụng cần là kinh nghiệm, năng lực thực tế của bạn chứ không phải tấm bằng tốt nghiệp ở nước ngoài.
“Chính vì vậy, du học sinh đừng nghĩ mình sẽ giỏi hơn các bạn học ở trong nước mà đòi hỏi những ưu đãi tốt hơn. Dù có “học Đông học Tây” thế nào thì năng lực thực tế vẫn là thước đo mà nhà tuyển dụng coi trọng. Do đó, trong quá trình du học, hãy cố gắng tích lũy nhưng kĩ năng cần thiết trong ngành nghề, công việc mà bạn muốn theo đuổi sau này, đừng chỉ cố gắng để hoàn thành việc học và có một tấm bằng đẹp.
Bản thân tôi sau khi trở về nước bắt tay vào làm việc, với nhiều tình huống tôi còn tự ti và cảm thấy bản thân xử lý không nhanh và tốt bằng những bạn đồng nghiệp học trong nước.
Bởi các bạn ấy đã có thời gian thực tập, tìm hiểu thực tế và cọ xát với môi trường làm việc hiện tại từ khi còn là sinh viên, như vậy đó sẽ lợi thế hơn những du học sinh từ nước ngoài trở về. Vì vậy, bản thân tôi giai đoạn đầu mới về nước làm việc phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều để bắt nhịp được với môi trường thực tế”, chị Phương nhấn mạnh.
“Có những bạn học giỏi và thành công trong môi trường giáo dục ở Việt Nam nhưng khi du học lại không chịu được áp lực do những thay đổi, cảm giác cô đơn, nhớ nhà, áp lực bài vở, áp lực phải đạt điểm cao để giữ học bổng… Nếu không có khả năng cân bằng và kiểm soát tốt về cảm xúc, năng lượng, thời gian thì quá trình thích nghi của du học sinh sẽ rất vất vả. Do vậy, học sinh cần trang bị cho bản thân thật tốt các kỹ năng trước khi đi du học”, bà Trần Phương Hoa - Tổng Giám đốc Tổ chức giáo dục Summit chia sẻ.