Nghiên cứu và công nhận các loại chứng chỉ ngoại ngữ để xét đầu ra cho sinh viên dựa vào đặc thù đào tạo của đơn vị, vùng miền và cả năng lực ban đầu của sinh viên.
Thực tế ghi nhận ở nhiều trường đại học cho thấy rõ điều đó khi với sinh viên khối các trường Khoa học xã hội, Nông lâm hay các trường khu vực xa, chủ yếu vẫn sử dụng và yêu cầu sinh viên hoàn thành chứng chỉ B1 theo quy định khung 6 bậc ngoại ngữ Châu Âu hoặc quy đổi sang chứng chỉ quốc tế IELTS (4.0-4.5 điểm), TOEIC (400 – 450 điểm).
Tuy vậy, không phải sinh viên nào cũng dễ dàng hoàn thành chuẩn đầu ra ngoại ngữ nếu không có kế hoạch và lộ trình học tập bài bản. Nguyễn Minh Tr, ngành Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM đã tốt nghiệp một năm vẫn luyện thi chứng chỉ IELTS để cố lấy 450 điểm nhằm hoàn thành nghĩa vụ chuẩn đầu ra với nhà trường, mặt khác để có thể đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của đơn vị tuyển dụng khối FDI.
“Rất vất vả nhưng buộc phải vừa học vừa làm để có thể đạt chứng chỉ IELTS trong kỳ thi sớm nhất. Tôi chọn thi IELTS vì nhiều lý do (linh hoạt, nhiều khóa thi) chứ thi theo chuẩn B1 của trường hơi lâu mà đơn vị tuyển dụng cũng không mặn mà”- Tr nói.
Theo ThS Trần Nam, Trưởng phòng Tuyển sinh và quan hệ Doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM, sinh viên bị “treo bằng” vì nợ đầu ra ngoại ngữ khá nhiều. Để hỗ trợ người học, trường thành lập Trung tâm ngoại ngữ tổ chức giảng dạy tiếng Anh. Trong quá trình học, sinh viên được kiểm tra năng lực ngoại ngữ. Hết năm thứ 2, sinh viên đạt chuẩn ngoại ngữ mới được học tiếp năm 3. Nhờ vậy, hiện mỗi năm tỷ lệ sinh viên ra trường đúng hạn "nhích lên một chút" so với trước kia.
Bảng quy đổi điểm ưu tiên xét tuyển với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế của các trường. |
Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM trước đây không bắt buộc sinh viên phải học tiếng Anh trong trường mà chỉ có những kỳ kiểm tra nội bộ để sinh viên tự đánh giá và điều chỉnh. Tiến độ học tập vì thế phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự giác của sinh viên.
Tuy vậy, theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, thời gian qua, trường nhận thấy số sinh viên bị nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ tương đối nhiều nên từ khóa 2022, nhà trường thử nghiệm đưa tiếng Anh thành học phần bắt buộc. Theo đó, sau khi nhập học, sinh viên trải qua bài kiểm tra ngoại ngữ của trường, nếu có năng lực khá trở lên được tự chọn lộ trình học tiếng Anh theo kế hoạch cá nhân. Ngược lại, sinh viên có kết quả thấp bắt buộc phải tham gia lớp học tiếng Anh trong trường.
“Hiện chương trình đào tạo chính quy có bốn học phần tiếng Anh. Hết năm thứ nhất, sinh viên phải hoàn thành học phần 1. Học phần 2, 3 được hoàn thành trong năm thứ hai. Đến năm ba, sinh viên hoàn thiện học phần 4. Đạt bốn học phần, sinh viên đã tiệm cận chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường là TOEIC 650 điểm” –PGS.TS Bùi Hoài Thắng.