Theo ThS Nguyễn Vinh San, nội dung của Thông tư 13 tập trung vào 2 hoạt động: Giám sát và đánh giá trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Trong đó hoạt động đánh giá với 5 tiêu chuẩn và 25 tiêu chí được xem là cốt lõi, các trung tâm phải đạt được 21/25 tiêu chí bắt buộc.
Ảnh minh họa ITN. |
Bộ tiêu chuẩn đã cơ bản bao phủ được yêu cầu để một trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục có thể hoạt động như: Cơ cấu tổ chức, hệ thống văn bản pháp quy; nhân sự; cơ sở vật chất; hoạt động kiểm định và công khai thông tin. Các tiêu chuẩn 1 và 3 có tính ổn định cao. Tiêu chuẩn 5 tương đối đơn giản đối với một trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Tiêu chuẩn 2 là tiêu chuẩn cốt lõi, tác động đến kết quả của tiêu chuẩn 4.
Vì vậy, để Thông tư 13 đạt hiệu quả trong triển khai cần chú trọng đến yếu tố “nhân sự” quy định tại tiêu chuẩn 2. Cần quy định rõ với quy mô nhân sự như thế nào thì số lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo được kiểm định tương ứng hằng năm.
Điều này tương tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh của trường đại học dựa trên quy mô người học và số lượng giảng viên. Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ngoài việc đánh giá ngoài cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo còn có trách nhiệm theo dõi báo cáo cải tiến, giám sát các đơn vị đã được đánh giá trong chu kỳ 5 năm.
Bên cạnh việc giám sát, đánh giá, ThS Nguyễn Vinh San cho rằng, cũng cần “cởi trói” cho các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục về thời gian cấp phép hoạt động. Trung tâm khi được cấp phép hoạt động phải đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc theo Thông tư 13; được phép tổ chức hoạt động kiểm định theo quy định của pháp luật, chịu sự giám sát và đánh giá theo chu kỳ 5 năm.
Kết quả đánh giá đạt thì giấy phép hoạt động tự động gia hạn, không còn tình trạng trung tâm bị “treo” hoạt động do chờ giấy phép. Bộ GD&ĐT cũng có quyền tạm dừng hoạt động của trung tâm bất kỳ lúc nào nếu phát hiện sai phạm. Ngoài ra, cũng cần xác định rõ, hoạt động đánh giá nhằm kiểm tra trung tâm có đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Nếu vi phạm 1/21 tiêu chí bắt buộc có thể tạm dừng hoạt động cho đến khi khắc phục được tồn tại.
Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Cường cho rằng, để công tác đánh giá/kiểm định các tổ chức kiểm định đạt hiệu quả, điều quan trọng trước tiên là đảm bảo tính chuyên nghiệp của chính tổ chức và cán bộ được giao nhiệm vụ kiểm định các tổ chức kiểm định. Cần có một tổ chức đầu mối cấp Bộ mang tính chuyên nghiệp cao về công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng như kiểm định các tổ chức kiểm định. Khái niệm đánh giá tổ chức kiểm định nên được gọi là kiểm định tổ chức kiểm định để phù hợp với logic là cơ quan kiểm định cần được kiểm định.
“Ở CHLB Đức, tổ chức kiểm định cấp liên bang với Hội đồng kiểm định chịu trách nhiệm chung về hệ thống kiểm định, quy định các quy trình, tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng như thực hiện kiểm định tổ chức kiểm định. Tổ chức kiểm định cần được kiểm định và phải nhận được dấu chất lượng của Hội đồng kiểm định trước khi được cấp thẩm quyền thẩm định chương trình cũng như hệ thống giáo dục đại học. Hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng được điều chỉnh và hoàn thiện qua quá trình thực hiện trong thực tiễn”. - TS Nguyễn Văn Cường