Khung thời gian Giáo dục thể chất trong chương trình đào tạo đại học cũng là băn khoăn của nhiều đại biểu đến từ các trường đại học. Theo đó, các đại biểu cho rằng, khung thời gian của Thông tư 25 hiện nay rất mở, tối thiểu từ 3 tín chỉ với Giáo dục thể chất. Các trường hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên sẽ chỉ chọn mức tối thiểu này.
PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, cần quy định cụ thể chuẩn đầu ra chương trình Giáo dục thể chất. Theo đó, cần nêu rõ sinh viên khi ra trường cần có lý thuyết, kỹ năng gì ở môn học này. Ngoài ra, PGS.TS Đào Ngọc Tiến còn đề xuất, cần có yếu tố đánh giá thái độ của sinh viên với Giáo dục thể chất.
PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nêu ý kiến. Ảnh: Mạnh Tùng |
GS.TS Lê Quý Phượng, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho rằng, để phát huy ý nghĩa và giá trị của môn giáo dục thể chất, duy trì và nâng cao sức khỏe cho học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục đại học cần quan tâm một số vấn đề.
Đầu tiên, các trường cần đổi mới việc xây dựng học phần bắt buộc và tự chọn phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. Thường xuyên tìm hiểu, điều tra, nắm bắt xu hướng sức khỏe, nhu cầu luyện tập các môn thể thao của sinh viên
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học cần cải tiến, đổi mới cách thức đánh giá kết quả học tập môn Giáo dục thể chất, chú trọng đến các mục tiêu đánh giá sự phát triển thể lực của người học; thực hiện nghiêm việc kiểm tra sư phạm các bài test thể lực để có thông tin, tư liệu cần thiết.
GS.TS Lê Quý Phượng tại Hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình môn học Giáo dục thể chất trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo, phát triển những con người toàn diện.
Theo Thứ trưởng, việc sửa đổi Thông tư 25 cần bám sát việc tôn trọng quyền tự chủ, tôn trọng sự phát triển cá thể của sinh viên.
Theo đó, mục tiêu của chương trình môn học Giáo dục thể chất đã được xác định là nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc.
Ngoài ra, bộ môn này còn góp phần hoàn thiện nhân cách, nâng cao khả năng học tập, kỹ năng hoạt động xã hội với tinh thần, thái độ tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng |
Theo Thứ trưởng, các cơ sở giáo dục đại học cần tính toán vấn đề cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cho công tác giáo dục thể chất. Thời lượng giảng dạy, những hoạt động, môn thể thao trong chương trình Giáo dục thể chất cũng cần theo hướng gợi mở, phù hợp với sinh viên.
Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường tập huấn cho các trường trong công tác Giáo dục thể chất trong trường đại học về thay đổi chương trình, các nội dung cập nhật.