Tương tự, ngành giáo dục thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên, đã phối hợp chặt chẽ với các trung tâm y tế địa phương để xét nghiệm nhanh Covid-19 cho toàn thể giáo viên trước khi trở lại trường. Nhân viên y tế cũng đã hướng dẫn giáo viên cách lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho học sinh.
Từng bước đưa Chương trình Sức khoẻ học đường mang lại hiệu quả thiết thực
Cô giáo Trần Thị Mai, giáo viên Trường Tiểu học Phương Canh, đánh giá Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 đã có sự sắp xếp linh hoạt, phù hợp với tình hình của các cơ sở giáo dục và các địa phương khi bố trí nhân viên y tế trong trường học.
Đó là việc ưu tiên bố trí nhân viên chuyên trách y tế trường học đối với các trường chuyên biệt; cơ sở giáo dục phổ thông có nhiều cấp học; cơ sở giáo dục có vị trí ở xa trạm y tế cấp xã, cơ sở khám chữa bệnh (những nơi y tế cơ sở không thể can thiệp, chăm sóc y tế kịp thời cho học sinh).
"Trong tình hình dịch bệnh, việc khoanh vùng và hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch là rất quan trọng. Do đó, nếu nhân viên y tế trường học có sẵn và có đủ kiến thức, kỹ năng phòng chống, kiểm soát dịch thì nhà trường có thể kiểm soát lây nhiễm và xử lý tình huống nhanh chóng hơn, nhất là trong trường hợp trạm y tế ở xa hoặc quá tải", cô Mai bày tỏ.
Còn theo cô Trịnh Thị Chung Thuỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân, Hà Nội, lĩnh vực y tế học đường có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao sức khoẻ thể chất, tinh thần để học sinh yên tâm đến trường. Nếu nhân viên y tế được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn tốt sẽ làm tốt nhiệm vụ của y tế học đường, góp phần hiệu quả cho giáo dục toàn diện.
Bày tỏ ủng hộ, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025, hướng dẫn thực hiện chương trình. Hàng năm, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá để từng bước đưa Chương trình Sức khoẻ học đường mang lại hiệu quả thiết thực.