Mô hình cần nhân rộng
Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực của chương trình cử nhân tài năng, ông Lê Hoàng Chương - Giám đốc phụ trách tuyển dụng của C.P Việt Nam (CP Group) - cho rằng, nhân tài luôn có vai trò quan trọng trong sự sống còn và phát triển của đất nước, xã hội ở bất cứ giai đoạn, thời kỳ nào. Nhân lực giỏi chính là yếu tố hàng đầu trong việc cạnh tranh và phát triển, khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.
“Nhận thức được điều đó, chúng tôi luôn xây dựng nhiều chính sách thu hút người giỏi dựa trên chế độ phúc lợi. Để săn nhân lực giỏi, chúng tôi thường xuyên kết hợp với Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đặt hàng sinh viên từ năm 3. Chất lượng sinh viên nhóm ngành chương trình chất lượng cao, tài năng của trường rất ổn. Các em thích ứng công việc nhanh, doanh nghiệp không mất công thực hiện khâu đào tạo lại”, ông Chương thông tin.
Là sinh viên học chương trình cử nhân tài năng khóa 47 tại Viện ISB, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Đỗ Thùy Linh nhìn nhận việc được học cùng nhiều sinh viên giỏi, tài năng đã tạo cho em động lực cố gắng. “Môi trường học tập cạnh tranh đã giúp em và các bạn có động lực để cùng nhau tìm kiếm những thách thức và giới hạn tối đa của bản thân. Học tập trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh, giáo trình quốc tế đã giúp em và các bạn không bị tụt lại với bối cảnh chung, có thêm điều kiện tìm kiếm nguồn tri thức mới khi được giao lưu thường xuyên với sinh viên quốc tế”, Thùy Linh cho biết.
Ông Huỳnh Thanh Vạn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP S Funiture - cho rằng: Nhân lực tài năng, tiên tiến không chỉ phục vụ, đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn cho khu vực, thế giới. Vì vậy, các trường đại học của Việt Nam nên khai thác, phát huy lợi thế ngành nghề cho việc đào tạo tinh hoa, nhân tài. Bởi theo ông Vạn, mỗi trường có thế mạnh riêng nên việc xây dựng chương trình cử nhân tài năng theo nhóm ngành thế mạnh nhằm bồi dưỡng, vun đắp nhân tài, tạo nguồn nhân lực cấp cao, tinh hoa là hướng đi đúng đắn cần nhân rộng.
Đồng tình việc cần nhân rộng mô hình đào tạo này trong các trường đại học, theo ông Lê Hoàng Chương - Giám đốc phụ trách tuyển dụng của C.P Việt Nam (CP Group), doanh nghiệp và nhà trường cần tương tác, gắn kết mật thiết với nhau.
“Nhà trường và doanh nghiệp cần thảo luận và thống nhất để hỗ trợ (tài chính, chính sách) phát triển sinh viên trong chương trình tài năng một cách bài bản, sử dụng nguồn lực hỗ trợ hiệu quả. Song song đó cùng nhau thảo luận, đánh giá, góp ý xây dựng chương trình đào tạo sao cho phù hợp và thiết thực nhất đối với nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Đặc biệt, để nguồn nhân lực này luôn được tiếp nối, doanh nghiệp sẽ cùng nhà trường tham gia tuyển sinh, chọn lọc những “hạt nhân” xuất sắc nhất qua đó giới thiệu, tư vấn, làm nổi bật chương trình này bên cạnh chương trình đào tạo chung, tăng thêm sự thu hút đối với học sinh THPT”, ông Chương nhấn mạnh.