Mấy giây sau Đổng Lân nhắc lại câu này và nói thêm “đừng bắt con tôi”. Không thấy kẻ lạ mặt đáp lại, Các bỗng giật mình khi nghe tiếng súng chát chúa.
- Các ơi, cậu Ba trúng đạn rồi…
Giọng Đổng Lân yếu ớt. Tiếp đó là tiếng Thanh Nga:
- Các ông có bắn thì bắn chết tôi đi, đừng hại con tôi!
Nữ nghệ sĩ lớn tiếng lặp lại lời nói này và súng lại nổ. Bé Cúc Cu khóc ré lên. Các nghe một trong hai tên sát thủ buông câu cụt ngủn “thôi bỏ đi” và có cảm giác không bị đè nặng trên lưng nữa. Anh khẽ khàng nhỏm dậy, thấy một tên đang đạp máy chiếc honda 67, gã cầm súng vẫn chĩa vào Các và đi giật lùi, sau đó nhảy lên xe đồng bọn chạy ngược chiều đường Ngô Tùng Châu ra hướng ngã sáu Phù Đổng.
Đặc điểm nhân dạng đối tượng được Các mô tả: gã cầm súng trạc 30 tuổi, cao khoảng 1,70m, da ngăm đen, mũi cao, tóc dài, nói giọng Nam, tên kia thấp hơn và mập, không rõ mặt nên không đoán được tuổi. Chiếc xe máy của chúng bình xăng trắng, khả năng bị mất miếng nhựa ốp bên hông…
Nhà ở phía đối diện, hàng đêm hai chị em Lương Thị Bích, Lương Thị Thu thường ngồi học bài trên lầu, cứ tầm 23 giờ lại nghe tiếng xe hơi của Thanh Nga đi biểu diễn về. Hai cô cho biết, tối 26/11 âm thanh quen thuộc ấy vang lên lúc 22 giờ 50, động cơ ôtô vừa dứt thì có những tiếng động lạ, tiếp đó là tiếng la khóc của con nít. Nhìn qua cửa sổ, chị em Thu - Bích thấy cổng nhà Thanh Nga mở toang, chiếc Volkswagen đậu giữa sân, bên phải xe có 2 thanh niên, một đứa đứng, một tên đang kéo hay giằng co vật gì ở trong xe. Rồi tiếng súng nổ, lửa tóe ra từ tay gã đang đứng, ít phút sau lại một tiếng nổ nữa. Khẩu súng của chúng dài khoảng 30cm, mũi súng giống như loa kèn.
Ngoài Các, Bích, Thu, một chị bán cóc ổi trước rạp Cao Đồng Hưng ghi nhận có 2 thanh niên đi honda lượn lờ nhòm ngó biển số xe của vợ chồng Thanh Nga…
VĨNH BIỆT “SƠN NỮ PHÀ CA”
Tin Thanh Nga cùng chồng bị sát hại nhanh chóng lan truyền khắp thành phố. Các đồng nghiệp, nghệ sĩ có tên tuổi, người hâm mộ và cả hiếu kỳ ùn ùn đổ về Bệnh viện Sài Gòn. Thanh Nga nằm đó, phấn son chưa kịp tẩy trang sau vai diễn cuối cùng, vẻ đẹp vừa thánh thiện, vừa kiêu sa, lộng lẫy. Nghệ sĩ Thanh Sang, luôn song hành cùng Thanh Nga trở thành cặp đào kép lý tưởng khi sắm các vai Thi Sách trong “Tiếng trống Mê Linh”, Lê Hoàn vở “Thái hậu Dương Vân Nga”… cứ vuốt mãi mái tóc đen óng ả của người bạn diễn xấu số mà nghẹn ngào: “Chị ơi, hồi hôm còn oai phong lẫm liệt trên sân khấu, giờ sao đến nông nỗi này?”…
Sinh năm 1942 tại Tây Ninh, lên 8 tuổi Thanh Nga bắt đầu bước lên sàn diễn với những vai nho nhỏ. Cho đến một ngày “sơn nữ Phà Ca” (vở “Người vợ không bao giờ cưới”) xuất hiện thì không cần đợi tuổi, không đợi thời gian, chị vụt sáng, trong trẻo như con suối ban mai, tươi tắn như nụ hoa rừng chớm nở khiến soạn giả Kiên Giang sung sướng đến trào nước mắt vì Phà Ca đẹp hơn, hoàn hảo hơn so với nguyên tác.
Chính vai diễn này đã đem lại cho Thanh Nga huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1958, khi cô 16 tuổi. Từ đây, Thanh Nga như cánh buồm căng gió lồng lộng vượt trùng khơi, không gì ngăn cản được bước đi thần tốc trong việc chinh phục hàng triệu trái tim khán giả. Năm 1966, hóa thân vào nhân vật Giáng Hương trong vở “Sân khấu về khuya”, chị đoạt giải Thanh Tâm lần 2. Những phần thưởng cao quý này khẳng định tài đức vẹn toàn của nữ nghệ sĩ.
Tài sắc, đức hạnh là thế, vậy mà đường tình duyên của Thanh Nga lại trắc trở. Có những kẻ toan tính dùng uy quyền và thế lực rắp tâm chiếm đoạt nhan sắc tuyệt mỹ cùng giọng ca đam mê, quyến rũ. Chỉ khi vị Đổng lý văn phòng Bộ Thông tin (chế độ cũ) Phạm Duy Lân từ bỏ hết danh vọng, địa vị để đến với chị, hạnh phúc mới mỉm cười. Gia đình, sự nghiệp tưởng như đã viên mãn, nhưng chị lại sớm bạc mệnh.
Cánh màn nhung cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa khép lại ở độ tuổi đang sung sức. Thương tiếc một tài năng, lòng người xúc động, hết thảy đều căm giận những tên dã thú đã cướp đi của công chúng và nghệ thuật một báu vật. Ai gieo tang tóc này? Bọn phản cách mạng, lũ lưu manh hình sự hay do hận tình, đố kỵ về tài năng làm nên tội ác?
36 tuổi đời với 28 năm trên sân khấu, Thanh Nga đã góp mặt trong 230 vở diễn, trong đó những vai bất tử trong lòng người mộ điệu như sơn nữ Phà Ca (vở “Người vợ không bao giờ cưới”), Điêu Thuyền (trong Phụng Nghi Đình), Xuân Tự (Áo cưới trước cổng chùa), Klay (Mưa rừng), Hương (Nửa đời hương phấn), Giáng Hương (Sân khấu về khuya), cô gái mù Xuyên Lan (Tiếng hạc trong trăng), Thảo (Bông hồng cài áo), Kim Anh (Đời cô Lựu), Trưng Trắc (Tiếng trống Mê Linh), Quỳnh Nga (Bên cầu dệt lụa), Vân (Bóng tối và ánh sáng), Dương Vân Nga (Thái hậu Dương Vân Nga)… Không chỉ được mệnh danh là nữ hoàng sân khấu, Thanh Nga còn là một minh tinh màn bạc, để lại những nét đẹp thuần Việt qua các bộ phim Đôi mắt người xưa, Hai chuyến xe hoa, Loan mắt nhung, Mùa thu cuối cùng, Nắng chiều, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Lan và Điệp, Một thoáng đam mê, Xa lộ không đèn, Mưa trong bình minh… |
(Còn tiếp...)
XEM THÊM CÁC KỲ
1