Chuyển biến trong hướng nghiệp cho trò vùng cao

24/09/2023, 16:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú đã chủ động công tác phân luồng sớm...

Để học sinh có thêm nhiều kiến thức hơn về nghề nghiệp trong tương lai, nhiều trường dân tộc nội trú (DTNT), dân tộc bán trú (DTBT) đã chủ động công tác phân luồng sớm. Đồng thời, mời các trường cao đẳng, trường nghề, đại học tham gia vào quá trình định hướng nghề nghiệp, giúp học trò học tập có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng.

Mời chuyên gia vào “thực địa”

Trường PTDTNT THCS - THPT Lâm Bình (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) nhiều năm nay công tác hướng nghiệp chủ yếu do thầy, cô đảm nhiệm.

Ông Phan Trường Giang - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Phụ huynh đa phần là đồng bào dân tộc, nhiều người không nói được tiếng phổ thông. Vì vậy, công tác hướng nghiệp khó mà phối hợp được giữa nhà trường và phụ huynh, lâu nay mới chỉ thực hiện bằng “một vế”, chủ yếu nhà trường, thầy cô tìm hiểu kiến thức về nghề nghiệp, xu thế nghề nghiệp rồi sau đó phổ biến và gợi ý cho học sinh”.

Trong Chương trình GDPT 2018, nội dung giáo dục hướng nghiệp được lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động giáo dục. Vì vậy Trường PTDTNT THCS - THPT Lâm Bình đã chủ động liên hệ và mời để các đơn vị là trường cao đẳng nghề, trung tâm GDNN-GDTX cử giảng viên về tận trường tư vấn cho học sinh.

Ông Trường Giang cho hay: “Ngoài việc chủ động tư vấn phân luồng cho học sinh lớp 9, diễn giả của các đơn vị sẽ tư vấn cụ thể để từng học sinh lựa chọn đúng trường nghề phù hợp với năng lực cá nhân. Nhờ vậy, nhiều năm gần đây, 10% học sinh tốt nghiệp THCS tại trường có xu hướng chuyển sang học nghề tại các trung tâm GDNN-GDTX hay các trường cao đẳng nghề thay vì nghỉ học giữa chừng”.

Tương tự, tại Trường PTBT Tiểu học – THCS Liên Hội (Văn Quan, Lạng Sơn), hàng năm nhà trường cũng kết nối với Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn, Trung tâm GDNN-GDTX tỉnh và hợp tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Thầy, cô của các trường này sẽ phân tích, định hướng cho những học sinh không thi đỗ vào cấp THPT công lập tiếp tục học tập tại một môi trường khác thay vì học hết lớp 9 về nhà hoặc đi làm lao động tự do.

Ông Triệu Quốc Hưng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhờ sự chủ động, phối hợp trên mà trong nhiều năm qua, những học sinh không đỗ vào lớp 10 công lập của trường đã chọn học nghề hoặc học tại trung tâm GDNN-GDTX. Điều này giúp giảm tỷ lệ học sinh bỏ học hoặc đi lao động tự do. Nhiều em sau khi học nghề được trau dồi chuyên môn vững đã trở lại trong vị trí lực lượng nhân lực trẻ đóng góp cho sự phát triển của quê hương”.

Học sinhTrường THPT DTNT tỉnh Tuyên Quang trong một tiết học ngoại khoá. Ảnh NT. ảnh 1
Học sinhTrường THPT DTNT tỉnh Tuyên Quang trong một tiết học ngoại khoá. Ảnh NT.

Tháo gỡ khó khăn trong hướng nghiệp

Theo chia sẻ của bà Hà Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Tuyên Quang, các phụ huynh là người dân tộc còn thụ động, nhiều hạn chế trong nhìn nhận vấn đề hướng nghiệp nghề nên rất lúng túng, khó khăn trong việc hoạch định tương lai cho con em mình. Vì vậy, ngoài việc định hướng nghề nghiệp, nhà trường còn định hướng cho các em học nghề phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế gia đình, nhu cầu việc làm của địa phương.

Hiện nay, các trường cao đẳng nghề được Nhà nước hỗ trợ về học phí, chỗ ở và nhiều trường có cam kết đầu ra, giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Đây là những yếu tố thuận lợi, là cơ hội mở cho những học sinh có năng lực học vừa phải, gia đình điều kiện kinh tế khó khăn có thể lựa chọn hướng học nghề”.

Bà Hải Yến cho biết thêm, khi học sinh hiểu được năng lực, có hướng đi cụ thể cho bản thân, các em sẽ giảm được áp lực trong thời gian học phổ thông.

“Đại học không phải con đường duy nhất để các em phát triển và tìm kiếm tương lai. Thay vào đó, nếu tìm được môi trường phù hợp khi chọn học nghề hay học cao đẳng, được khai mở và định hướng rõ ràng, các em sẽ được khơi dậy đam mê, hứng thú và sức sáng tạo riêng. Ngược lại, nếu học đại học nhưng không theo kịp chương trình, các em sẽ cảm thấy áp lực, dẫn đến chán nản, kết quả học tập không như mong muốn và cơ hội việc làm sau khi ra trường thu hẹp”, bà Yến phân tích.

Nhiều năm qua, để học sinh có hướng đi phù hợp với năng lực, ngay từ khi đón lứa học sinh vào lớp 10, Trường THPT DTNT tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức xây dựng kế hoạch hướng nghiệp sát với năng lực học trò.

Đặc biệt, trong Chương trình GDPT 2018, nội dung hướng nghiệp triển khai ngay từ lớp 10 nên nhà trường đã căn cứ vào thực tế để xây dựng chuyên đề cho học sinh như tìm hiểu nghề nghiệp (4 tiết); tìm hiểu bản thân phù hợp với nghề nào (3 tiết); lập kế hoạch học tập rèn luyện theo định hướng nghề nghiệp (4 tiết).

“Nhờ vậy mà 5 năm gần đây, nhà trường có khoảng 10 - 15% học sinh tốt nghiệp đi học nghề. Xu hướng này đang dần tăng. Cụ thể, năm học 2022 - 2023 chúng tôi có 12% học sinh nghề, trước đó năm học 2021 - 2022 chúng tôi có 10%. Đây là tín hiệu mừng, thể hiện được quá trình phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp đang dần có hiệu quả thiết thực”, bà Hải Yến cho biết.

Mặc dù hoạt động hướng nghiệp đã có chuyển biến tích cực nhưng thầy Hiệu trưởng Phan Trường Giang cũng chỉ ra một số khó khăn mà Trường PTDTNT THCS – THPT Lâm Bình nói riêng và nhiều trường PTDTNT, DTBT phải đối mặt.

Đơn cử, hiện tỉ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THPT lựa chọn đi làm tại các khu công nghiệp khá cao nên ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và lựa chọn của các khoá sau. Bên cạnh đó, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên để giải bài toán “cơm áo, gạo tiền” trước mắt nên một số gia đình muốn con đi làm ngay sau khi tốt nghiệp thay vì học lên cao, do đó cũng ít nhiều cản trở công tác hướng nghiệp cho học sinh”.

Bài liên quan
Tránh 'biến tướng' khi hướng nghiệp
Công tác tư vấn, phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 là việc làm thường niên đối với các trường THCS.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển biến trong hướng nghiệp cho trò vùng cao