Cụ Lê Anh Tuấn thấy ông Nguyễn Bá Lân còn nhỏ tuổi nhưng đối lại thật ngang tàng song cũng đầy khí phách, từ đó cụ Lê Anh Tuấn ngầm ý phục tài đối đáp của ông Nguyễn Bá Lân mà không tỏ ra giận dữ nữa.
Quả nhiên sau này ông Nguyễn Bá Lân thi đỗ Tiến sĩ năm Tân Hợi (1731) làm quan Thượng thư ở 6 bộ, tước Quận Công (trong khi cụ Lê Anh Tuấn làm quan Thượng thư ở 2 bộ)
Tài xử án như thần
Ông Nguyễn Bá Lân làm quan đến chức Tể tướng, trải qua lục bộ Thượng thư triều đình vua Lê - Chúa Trịnh. Ở cương vị nào ông cũng tỏ ra là người có đức độ, tài năng, công minh. Năm Kỷ Hợi (1779), tuy đã 80 tuổi, ông nhận chức Giám trị thiên hạ từ tụng, ông xét xử hơn trăm vụ án, thiên hạ cho là công minh, công bằng.
Một lần biết tin ông về tuần phủ tại phủ Xuân Trường (nay là huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), nhiều người đến đánh trống kêu oan. Trong số đó, có một người phụ nữ khoảng 20 tuổi khuôn mặt khắc khổ. Người đàn bà chẳng những đánh trống mà còn phủ phục trước ngựa của quan Tể tướng để dâng đơn tố cáo kẻ ác, giãi bày nỗi oan trái.
Ông Nguyễn Văn Đoàn bên câu đối đặt tại đền thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân. |
Toàn bộ sự tình người đàn bà đó kể lại rằng, cách đây hơn 3 năm, người này được viên Chánh tổng nọ lấy về làm vợ lẽ. Bởi vì bà vợ cả sinh được 6 người con gái nên ông Chánh tổng nọ rất yêu thương cô, ngày đêm mong cô mang thai sinh cho ông một cậu con trai để nối dõi tông đường. Một sự trùng hợp kỳ lạ là cả 2 người đều mang thai. Lúc cô đau đẻ thì cũng là lúc người vợ cả dở mình mẩy đi kêu bà đỡ. Khi bà đỡ đến, người vợ cả gọi bà ta vào trong buồng dặn dò và bảo bà đỡ đẻ, đỡ cho cả 2 người.
Vì mới sinh lần đầu nên cô đau đớn. Khi sinh được đứa con thì cô đã kiệt sức lịm đi. Thế là cuộc đánh tráo, đổ vạ cho người vợ bé. Quan Tể tướng Nguyễn Bá Lân hỏi Tri phủ Xuân Trường về việc có nhận được đơn của cô gái này không? Tri phủ Xuân Trường trả lời rằng bản thân có nhận được đơn của người phụ nữ này nhưng khó xử kiện quá, bởi không rõ thật giả thế nào?
Quan Tể tướng Nguyễn Bá Lân nghe xong đã yêu cầu đưa người vợ cả và bà đỡ lên phủ đường. Nhưng dù tra hỏi, đối chất thế nào, hai người đàn bà này vẫn một mực kêu oan. Quan bèn nghĩ ra một kế sau đó sai lính chuẩn bị pháp trường để chém đứa trẻ trước sự ngạc nhiên của mọi người.
Y lệnh ông Nguyễn Bá Lân, quan Tri phủ Xuân Trường sai lính đem đứa trẻ ra pháp trường và giải 3 người đàn bà kia ra chứng kiến cảnh xử chém. Lúc này, người vợ bé chân đất, đầu tóc rũ rượi khóc lóc gào thét ầm ỹ lên một mực xin được chết thay cho đứa trẻ còn người vợ cả và bà đỡ vẫn thản nhiên không tỏ ra thương tiếc.
Bên cạnh tài năng thơ phú, Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân còn được biết đến là người có tài xử án như thần. Ảnh minh họa quan thời phong kiến xử án. |
Chỉ chờ đến cảnh ấy, quan Tể Tướng liền tuyên bố trả đứa bé trai cho người vợ bé và ra lệnh bắt hai người đàn bà kia đem vào ngục giam để xét xử tiếp. Chứng kiến cảnh ông Nguyễn Bá Lân xử án, nhiều người khâm phục và cho rằng thật là kỳ dị mà hiếm thấy. Quan giải thích rằng chỉ có người mẹ mang nặng đẻ đau mới biết thương con mình. Người vợ bé dám hy sinh thân mình để chết thay cho đứa trẻ hoàn toàn xứng đáng là mẹ của đứa trẻ đó.
Ở thời nào cũng vậy, việc xử có đúng người đúng tội, tâm phục khẩu phục hay không, phụ thuộc vào quá trình điều tra, thẩm tra có tường tận khách quan vô tư hay không? Điều đó đặt ra cho người được giao trách nhiệm vụ án này không những phải chỉ có trình độ nghiệp vụ, thông minh xét đoán, mà còn phải có phẩm chất đạo đức trong sáng. Cách giải quyết vụ án trên chỉ là một trong số vụ án mà ông Nguyễn Bá Lân đã làm. Tài năng, đức độ của quan Tể tướng Nguyễn Bá Lân còn được lưu truyền mãi mãi sau này.