Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chủ trương đến năm 2025, tối thiểu 25% nội dung chương trình giáo dục tiểu học được triển khai dưới hình thức trực tuyến và 35% ở bậc trung học. Sở giao cho các trường chủ động xây dựng lộ trình từng năm học đến 2025, từng bước phấn đấu phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực giáo viên, đặc thù học sinh của trường.
Với 35% giờ học của cấp THCS, THPT được quản lý trên hệ thống trực tuyến trong năm học 2022 - 2023, học sinh sẽ được lợi là ôn tập, củng cố kiến thức, sinh hoạt ngoài giờ trên lớp… trên không gian mạng. Tuy nhiên, con số 35% nội dung chương trình giáo dục triển khai theo hình thức trực tuyến vẫn có nhiều trường lẫn giáo viên còn lúng túng.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) cho rằng, việc đưa ra chỉ tiêu 35% nội dung chương trình giáo dục triển khai theo hình thức trực tuyến là hợp lý. Bởi trên thực tế, với sự hỗ trợ của các phần mềm, thầy cô sẽ ôn tập, củng cố hoàn thiện kiến thức theo định hướng mở rộng không gian, thời gian tổ chức hoạt động học cho học sinh. Nhờ đó, chất lượng giáo dục sẽ tốt hơn.
Cũng theo chia sẻ của thầy Phú, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ giáo viên và cán bộ quản lý chưa hiểu rõ về khái niệm 35% này. Nhiều người cho rằng tại sao hết dịch rồi vẫn dạy học trực tuyến và con số đưa ra là cắt phần trăm số môn hay số lượng chương trình từng môn để học trực tuyến. Thực tế cách hiểu như vậy là không hoàn toàn đúng.
Trong quá trình giảng dạy với thời lượng quy định một số môn học, giáo viên sẽ khó truyền tải hết nội dung cho học sinh. Vì vậy việc giáo viên soạn giáo án điện tử, thiết kế hình ảnh đưa lên phần mềm trực tuyến sẽ giúp học sinh tiếp cận đầy đủ nội dung bài giảng. Mặt khác, các em được ôn tập, củng cố kiến thức, sinh hoạt ngoài giờ trên lớp… trên không gian mạng.
“Thực tế rất khó để định lượng 25% hay 35%, bởi nội dung chương trình giáo dục khó có thể đong đếm được. Ngay cả khi trường được chủ động chuyển đổi cũng cần hướng dẫn cụ thể để thực hiện chủ trương đồng bộ. Từ đó tạo sự đồng thuận của giáo viên, phụ huynh, tránh việc trường làm cho có để báo cáo…”, thầy Phú nhìn nhận.
Còn theo ý kiến của cô Phương Ngọc, giáo viên trường THPT tại Quận 4: “Giáo viên trong trường hầu như chưa hiểu rõ chủ trương thực hiện nội dung chương trình giáo dục trực tuyến cụ thể là như thế nào. Thời gian qua, một số thầy cô có sử dụng các phần mềm để giao bài tập về nhà cho học sinh. Tuy nhiên cũng tuỳ từng môn vì chưa thấy trường có yêu cầu giáo viên về điều này”.
“Chuyển đổi nội dung chương trình giáo dục dưới hình thức trực tuyến không có nghĩa là cắt giảm cơ học nội dung bài học đưa lên dạy trực tuyến mà các trường phải tính toán bước đi sao cho phù hợp. Hiện tại phần mềm dạy trực tuyến hiện đang là rào cản của ngành Giáo dục và của các nhà trường. Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh nhiều lần đề xuất với Bộ GD&ĐT về chính sách hỗ trợ cho việc này. Do đó, trong quá trình nhà trường thu phí triển khai tài khoản dạy trực tuyến cần có sự thống nhất của phụ huynh và nỗ lực triển khai hiệu quả”, ông Nguyễn Bảo Quốc cho hay.