Sau phiên toàn thể, Hội thảo thực hiện thảo luận theo 4 phiên song song và trình bày tổng hợp ý kiến tại hội trường chung.
Phiên 1 “Những vấn đề chung về khoa học giáo dục” do GS.TS. Nguyễn Hữu Châu và PGS.TS. Nguyễn Hồng Thuận điều hành. Các đại biểu tập trung ý kiến về một số vấn đề sau: góp ý một số nhận định, đánh giá về báo cáo thực trạng và định hướng, cách hiểu về khái niệm nghiên cứu cơ bản là khác nhau nên khi đưa ra nhận định cần có giải thích rõ ràng, tránh gây nhầm lần, nghiên cứu cơ bản không có nghĩa chỉ là nghiên cứu lý thuyết.
Phiên 2 “Khoa học giáo dục về Giáo dục mầm non và người có nhu cầu giáo dục đặc biệt”, các đại biểu đồng thuận cao với những ưu tiên nghiên cứu về chỉ số phát triển tâm, sinh lý của người học; đảm bảo công bằng về giáo dục có chất lượng cho các đối tượng người học và vùng, miền; số hoá và học tập suốt đời, phát triển chương trình giáo dục nhà trường phù hợp với đặc điểm và nhu cầu địa phương, phát triển nguồn nhân lực cho giáo dục, đào tạo trong bối cảnh CMCN 4.0…
Phiên 3 “Khoa học giáo dục về Giáo dục phổ thông”, các đại biểu đề xuất cần làm rõ hệ thống cơ sở lí luận là nền tảng cho các nghiên cứu khoa học giáo dục, làm rõ cơ sở dữ liệu, đặc biệt là các chỉ số về khoa học giáo dục Việt Nam, tăng cường nghiên cứu liên ngành, đối với Chương trình GDPT 2018, vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục, cơ sở tâm lý học và giáo dục học và vai trò trong nhà trường, nghiên cứu về tâm lý người học và người dạy, nâng cao hiệu quả dạy - học trong nhà trường phổ thông.
Phiên 4 “Khoa học giáo dục về Giáo dục Đại học và Học tập suốt đời” đã thảo luận đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu về giáo dục đại học để bắt kịp với xu thế quốc tế, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong giáo dục đại học, chuẩn đầu ra trong các trường đại học, kiểm định chất lượng giáo dục đại học, xây dựng hệ thống giáo dục suốt đời, hệ thống trường đại học mở trong bối cảnh CMCN 4.0 để đảm bảo sứ mệnh mọi người được học tập suốt đời, hệ thống đại học ảo, dự báo và quy hoạch nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc bày tỏ mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo sẽ cùng tham gia đóng góp, làm sáng tỏ những định hướng nghiên cứu lớn, các phương pháp tiếp cận, đẩy mạnh quá trình nghiên cứu trong thời gian tới. Đặc biệt trong đó cần thúc đẩy, nâng cao chất lượng nghiên cứu KHGD, tạo cơ sở vững chắc cho các chính sách và định hướng phát triển giáo dục. Đồng thời, cần tập trung nghiên cứu một cách bài bản, làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo phù hợp với quy luật phát triển, dựa trên thực tiễn và đáp ứng tốt sự phát triển của đất nước.