Chuyên gia chỉ ra thời điểm thích hợp để cha mẹ dạy trẻ về tiền bạc

02/06/2023, 19:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các bậc phụ huynh thường không muốn con lo lắng về tiền bạc. Tuy nhiên, sự tự tin và hiểu biết về tài chính có thể là chìa khóa để đảm bảo cho con tương lai hạnh phúc.

Hiểu biết về tài chính giúp trẻ biết tiết kiệm và tiêu tiền hợp lý hơn. Ảnh: MoMo Productions.

Chia sẻ với CNBC Make It, bà Susan Hirshman, Giám đốc quản lý tài sản tại Schwab Wealth Advisory, cho rằng bản thân có trách nhiệm cao về tài chính là điều cần thiết để thành công trong cuộc sống. Nguyên nhân là kỹ năng kiếm tiền sẽ ảnh hưởng đến các cột mốc quan trọng như kết hôn, kiếm việc làm hoặc mua nhà.

Theo bà Hirshman việc thiết lập những thói quen tốt về tài chính từ sớm có thể giúp trẻ tránh mọi vấn đề tiêu cực. Đồng quan điểm, Seth Wunder, Giám đốc đầu tư của Acorns, cho biết những mối nguy hiểm khác có thể biến trẻ trở thành nạn nhân nếu chúng không được giáo dục về tài chính bao gồm các bẫy nợ tiềm tàng như mua trước trả sau.

"Hiểu biết về tài chính nên là kỹ năng cơ bản của mọi người. Các quyết định về tiền bạc cũng có thể có tác động rộng lớn hơn đến xã hội tùy thuộc vào cách chi tiêu và đầu tư", ông Eric Landolt, Trưởng bộ phận tư vấn gia đình, nghệ thuật và thu thập tại UBS Global Wealth Management, nói.

Khi nào nên dạy trẻ về tiền bạc?

Rõ ràng, tầm quan trọng của tiền bạc là không thể phủ nhận, nhưng thời điểm thích hợp để bắt đầu dạy trẻ hiểu về điều đó thì không phải ai cũng biết. Bàn luận về vấn đề này, các chuyên gia có ý kiến khác nhau.

Theo ông Wunder, 6 tuổi là thời điểm mà trẻ em có thể bắt đầu nắm bắt một số khái niệm về tiền bạc.

"Đây là độ tuổi mà trẻ em bắt đầu hiểu về toán học ở trường, hiểu được hậu quả của việc nếu tiền biến mất và dành tiền cho những thứ chúng thực sự muốn", ông Wunder nói.

Ngoài ra khi trẻ lên 7 tuổi, nhiều thói quen tài chính đã được hình thành. Lúc này, trẻ sẽ nhận thức và tò mò về tiền sớm hơn nhiều so với kỳ vọng của cha mẹ.

Trong khi đó, bà Hirshman khuyến nghị trẻ nên bắt đầu hiểu biết về tiền bạc sớm hơn, cụ thể là từ 3 đến 5 tuổi vì đây là lúc trẻ có khả năng đưa ra lựa chọn và suy luận.

Còn ông Landolt cho rằng 5 tuổi là thời điểm tốt để bắt đầu dạy trẻ về tiền bạc vì lúc này, trẻ dễ tiếp thu những thông điệp liên quan đến giá trị gia đình do cha mẹ hoặc ông bà truyền đạt. Ông đề xuất dạy trẻ từ 5 đến 8 tuổi những điều cơ bản như tiền có giá trị thế nào và cách sử dụng tiền có tác động ra sao. Đối với trẻ từ 8 đến 12 tuổi, ông Landolt tin rằng cha mẹ có thể dạy trẻ những vấn đề phức tạp hơn về tiền bạc.

"Ở độ tuổi này, phụ huynh có thể nói với trẻ về các loại tiền hoặc cách sử dụng khác nhau. Chẳng hạn, nó có thể là tiết kiệm hoặc chi tiêu, xây dựng hay đầu tư, một số trong những khái niệm đó", ông Landolt nhấn mạnh.

Cũng theo ông Landolt, khi những đứa trẻ trở thành thiếu niên (từ 12 đến 15 tuổi), chúng có thể được giao nhiều trách nhiệm hơn như quản lý một khoản ngân sách nhỏ. Điều này bao gồm các khái niệm như chi tiêu, tiết kiệm và hiểu được các quyết định tiêu tiền có thể ảnh hưởng đến số tiền còn lại sau này.

giao duc tre tien bac anh 1

3-5 tuổi là thời điểm trẻ có khả năng đưa ra lựa chọn chi tiêu. Ảnh: Early Start Finance.

Cần lưu ý khi nói chuyện tiền bạc với trẻ?

Bất cứ khi nào quyết định trò chuyện về tiền bạc với con cái, phụ huynh cần lưu ý một số điều nhất định. Theo đó, bà Hirschman tin rằng 3 trong số những điều quan trọng nhất phụ huynh cần nhớ là nhất quán, tập trung vào hành động và liên tục trò chuyện.

"Cha mẹ có thể để trẻ mắc những lỗi nhỏ về tiền bạc, sau đó dạy cho trẻ rút kinh nghiệm. Cách để làm điều này là cho con một khoản trợ cấp", bà Hirschman nói.

Đồng quan điểm, ông Wunder giải thích rằng việc làm này có thể dạy cho trẻ biết lập ngân sách, chi tiêu và tiết kiệm.

"Cách phụ huynh tiếp cận chủ đề tiền bạc với một đứa trẻ 6 tuổi sẽ khác với một đứa trẻ ở độ tuổi lớn hơn, nhưng tất cả đều có điểm chung là dạy trẻ sự khác biệt giữa nhu cầu và mong muốn khi chi tiêu", ông Wunder nói.

Bà Hirschman nhận định việc làm gương của cha mẹ cũng có thể tác động to lớn đến trẻ. Vì vậy, cha mẹ phải thực hiện những điều họ nói và cố gắng không đưa ra những thông điệp lẫn lộn về tiền bạc cho trẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia chỉ ra thời điểm thích hợp để cha mẹ dạy trẻ về tiền bạc