Phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội được quy định tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương bất cập: Đào tạo xong không quay trở lại nơi đã đặt hàng cho đi đào tạo.
Việc tuyển dụng nhà giáo theo hướng dẫn của liên Bộ với một quy trình và phương thức chung như các viên chức khác cũng bộc lộ những hạn chế và chưa phù hợp. Việc tuyển dụng vẫn chú trọng kiến thức về quản lý nhà nước nói chung, phần thi kỹ năng nghề nghiệp chưa được coi trọng đúng mức.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam. |
Để xây dựng, thực hiện tốt hơn các chính sách và giải pháp từ đó phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đủ số lượng và đúng cơ cấu, chúng tôi kiến nghị những vấn đề cụ thể sau đây:
Để giáo dục là quốc sách hàng đầu thì Chính phủ và các Bộ, ngành cần có quan điểm và cách làm ủng hộ Bộ GD&ĐT bằng cách “nghe theo” tiếng nói của người có trách nhiệm làm sự nghiệp trồng người cho thế hệ hiện tại và mai sau. Không để tái diễn thiếu giáo viên, cán bộ quản lý như cảnh “ăn đong” hay “vừa chạy vừa xếp hàng.
Thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước nhưng phải xem xét tính đặc thù của ngành giáo dục mà không nên đồng loạt.
Xây dựng cơ chế, chính sách, để thực hiện xã hội cho giáo dục; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập, từ đó mới giải quyết được bài toán về quy mô và bất cập trong giáo dục cũng như đội ngũ giáo viên.
Cần có sự thống nhất trong quan điểm giữa Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT về cách tính định biên giáo viên và vấn đề thừa, thiếu giáo viên (thiếu so với biên chế được giao; thiếu so với định mức của Bộ GD&ĐT về học sinh/lớp; giáo viên/lớp).
Đề nghị Bộ GD&ĐT nên chủ động và kiên quyết bảo vệ quan điểm về: Xác định cách tính phù hợp với địa bàn, vùng miền khác nhau; sắp xếp sắp xếp hợp lý tại các địa phương tăng dân số cơ học, di dân để tránh thừa thiếu cục bộ giáo viên tại một số địa phương, khu vực.
Đề nghị Bộ Nội vụ lắng nghe quan điểm và giải pháp của Bộ GD&ĐT, không nên quy định theo cách đồng loạt chung trong cả khối sự nghiệp.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc, công khai và dân chủ công tác điều động, luân chuyển giáo viên phổ thông; chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên ngoài biên chế.
Chính phủ sớm có Nghị định về nghiên cứu xác định công tác phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và được coi là giải pháp đột phá, từ đó có cơ chế, chính sách ưu tiên, thiết thực để phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, trước mắt triển khai có chất lượng Chương trình GDPT 2018.
Tập trung đầu tư xây dựng và đổi mới hệ thống đào tạo giáo viên. Sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng phân tán, tập trung vào một số cơ sở đào tạo mạnh, chú trọng đầu tư xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm, làm đầu tàu cho hệ thống các trường sư phạm.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đội ngũ nhà giáo làm cơ sở hoạch định chính sách, xây dựng mục tiêu, chiến lược, phát triển đội ngũ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng,... giải quyết tình trạng thừa thiếu phổ biến giáo viên, cán bộ quản lý để bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và có chất lượng.