Chuyên gia: Giá nhà khó giảm vì "pháp lý rùa", dự án phí chồng phí

Minh Anh | 19/12/2023, 11:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mặc dù Chính phủ liên tục chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản nhưng các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trong đó các vướng mắc liên quan đến chi phí đầu vào, thủ tục pháp lý, tiếp cận tín dụng là nguyên nhân gốc rễ khiến doanh nghiệp dù muốn giảm giá để bán hàng cũng mắc kẹt vì "chi phí chồng chi phí".

Chuyên gia của Savills nêu thực tế, thời gian từ bước chấp thuận chủ trương đầu tư cho đến khi có giấy phép xây dựng có thể mất tới 2-3 năm. Trong thời gian ấy, doanh nghiệp vẫn phải liên tục đổ vốn trong khi nguồn thu không có. Doanh nghiệp bởi thế chỉ có một kênh để bù chi phí, đó là tính toán vào giá bán.

Chuyên gia: Giá nhà khó giảm vì

Đồng tình, chuyên gia lĩnh vực phát triển hạ tầng Đinh Thọ Đạt, Viện Quản lý hạ tầng, đất đai đô thị, chỉ ra thêm tình thế mắc kẹt của doanh nghiệp hiện tại. Việc chậm trễ trong pháp lý khiến các dự án không chỉ không có nguồn thu trong thời gian dài mà còn phải gánh khoản chi phí lãi vay, chi phí đất ngày càng lớn. "Doanh nghiệp vay 500 tỷ đồng, mỗi năm mất 10% chi phí lãi vay, tức là 50 tỷ đồng mà không tạo ra giá trị gì. Thậm chí trong thời gian lãi suất cao vừa rồi, khoản lãi này còn nặng hơn. Chi phí này doanh nghiệp buộc phải cộng vào giá", ông nêu ví dụ thực tế.

Thực tế cho thấy, với nhiều doanh nghiệp, sau thời gian khó khăn, sức chống chịu đã tới hạn, giảm giá đồng nghĩa phải bù lỗ và vượt quá sức với các chủ đầu tư. Doanh nghiệp đều muốn bán được sản phẩm nhưng nếu bán đi mà không đủ bù lỗ, thậm chí là có thể phá sản thì doanh nghiệp không dám.

Trả lời trước thực tế một vài dự án vẫn rao giảm giá mạnh, thậm chí lên tới 50%, theo ông, đây là tình trạng xảy ra ở số ít dự án chưa đảm bảo pháp lý đầy đủ, thậm chí nhiều dự án đã buộc phải dừng triển khai. "Thực tế những dự án như vậy cũng không thanh khoản được vì khách hàng cẩn trọng hơn rất nhiều sau thời gian khó khăn", ông Đạt cho hay.

Cũng về vấn đề này, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, tình trạng "pháp lý rùa" của dự án còn dẫn tới hệ quả mọi người đều thấy là thị trường khát nguồn cung trong thời gian dài. Ngược lại, nguồn cầu không được đáp ứng trong nhiều năm hình thành lực chờ mua lớn và theo quy luật cung-cầu, giá BĐS có xu hướng tăng cao. "Lực chờ mua luôn hiện hữu tạo thành hàng rào trên biểu đồ bất động sản, khiến giá giao dịch thực tế khó giảm bất chấp biến động chung của nền kinh tế", vị chuyên gia đánh giá.

Bởi thế, các chuyên gia cho rằng BĐS chỉ có cơ hội giảm giá khi "ma trận pháp lý" được giải quyết, từ đó khơi thông nguồn cung. Doanh nghiệp khi ấy sẽ giảm áp lực về chi phí, tăng tốc vòng quay vốn. Thị trường cũng giảm áp lực tăng giá do cung tăng, nhu cầu nhà ở dần được đáp ứng. Đây là vấn đề đang được Chính phủ vào cuộc mạnh mẽ nhưng để tạo hiệu ứng tới thực tế, theo ông, thị trường BĐS cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các bộ, ngành, đơn vị liên quan.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia: Giá nhà khó giảm vì "pháp lý rùa", dự án phí chồng phí