Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với hai cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội là Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs – với cáo buộc “Sản xuất hàng giả là thực phẩm” và “Lừa dối khách hàng”. Đây là vụ án thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và cả chuyên gia luật.
Sản xuất hàng giả là thực phẩm có thể phải đối diện án tù chung thân
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với hai cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội – TikToker Hằng Du Mục và YouTuber Quang Linh Vlogs cùng đồng phạm – với cáo buộc về hành vi “Sản xuất hàng giả là thực phẩm” và “Lừa dối khách hàng” vào ngày 4/4. Đây là vụ việc gây chú ý đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử, đặc biệt là bán hàng qua livestream đang phát triển mạnh nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khoảng trống pháp lý.
Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm, Công ty luật ThinkSmart cho biết, Điều 193 quy định hai tội phạm: Tội sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và Tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Đặc điểm pháp lý của các tội phạm này cơ bản giống Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS ), chỉ khác ở đối tượng phạm tội là nhu yếu phẩm thiết thực phục vụ đời sống con người (lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm).
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Sản phẩm Thực phẩm bổ sung kera SuperGreens Gummies (Thường được gọi là kẹo Kera) là sản phẩm của Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt, do Công ty Cp Asia life sản xuất là "hàng giả" và đã được Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt bán ra thị trường 135.325 hộp trong thời gian từ 12/12/2024 đến ngày 19/3/2025, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Hàng giả là lương thực, thực phẩm gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến con người, không chỉ cho hiện tại mà còn cho cả tương lai, cho các thế hệ mai sau do đó tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn so với hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa thông thường (quy định tại Điều 192 BLHS). Vì vậy, hình phạt áp dụng cho các Tội phạm này nghiêm khắc hơn so với các tội phạm qui định tại Điều 192 BLHS. So với quy định của BLHS 1999 thì tội phạm này được BLHS năm 2015 bổ sung đối tượng phụ gia thực phẩm dùng để sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm.
Theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), nếu việc sản xuất hàng giả là thực phẩm và thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại tài sản từ mức tương đương, người phạm tội có thể bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền và cấm hành nghề, ông Diễm nói.
Tiến sĩ Ngô Ngọc Diễm nhận định: “Sản xuất, buôn bán hàng giả tồn tại trong các nền kinh tế và hiện nay đang trở thành vấn nạn của đất nước. Đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng trật tự quản lý kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng, nên khung hình phạt rất nghiêm khắc”.
Trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo
Về hành vi “ Lừa dối khách hàng”, Tiến sĩ Ngô Ngọc Diễm phân tích: Theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015, đây là tội danh áp dụng đối với các hành vi gian dối trong quá trình kinh doanh, như: cân, đong, đo, đếm gian lận; đưa thông tin sai lệch về công dụng, chất lượng sản phẩm; hoặc sử dụng thủ đoạn gian dối khác để trục lợi từ khách hàng.
Trường hợp có tình tiết tăng nặng như phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn xảo quyệt, hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng (nếu hình phạt chính không phải là hình phạt tiền), cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Trong vụ án này, theo kết quả điều tra ban đầu, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs đã biết sản phẩm không đảm bảo chất lượng, nhưng vẫn cố tình quảng bá sai lệch nhằm tạo lòng tin từ người tiêu dùng thông qua sức ảnh hưởng cá nhân, từ đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và thu lợi với số lượng lớn. Luật sư Diễm khẳng định: "Hành vi này có dấu hiệu rõ ràng của tội lừa dối khách hàng và đủ căn cứ để xử lý hình sự”, vị Tiến sĩ nói.
Từ vụ án này, Tiến sĩ Ngô Ngọc Diễm cho rằng, người nổi tiếng khi tham gia livestream, quảng cáo sản phẩm có trách nhiệm kiểm tra nguồn gốc, chất lượng, công dụng của sản phẩm, nhằm đảm bảo thông tin đưa ra không gây hiểu nhầm hoặc tổn hại cho người tiêu dùng. “Việc lợi dụng uy tín cá nhân để tiếp tay cho sản phẩm kém chất lượng là hành vi vừa vi phạm đạo đức kinh doanh, vừa có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự,” ông nhấn mạnh.
Tiến sĩ Ngô Ngọc Diễm đánh giá:, vụ việc này không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh đối với người tiêu dùng khi mua hàng qua mạng, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo và bán hàng online, đặc biệt là đối với người nổi tiếng. Pháp luật đã có những chế tài rõ ràng và nghiêm khắc để xử lý hành vi sản xuất hàng giả và lừa dối khách hàng – nhất là trong lĩnh vực thực phẩm, nơi mà mỗi sai phạm đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Cơ quan điều tra đã thông báo cho các tổ chức, cá nhân từng mua 135.325 hộp kẹo Kera liên hệ với Phòng 3 – C01, Bộ Công an tại số 47 Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, hoặc liên hệ điều tra viên Lưu Thị Thanh Hiếu (SĐT: 0904.58.28.82) để được hướng dẫn giải quyết.