Sau khi đạt đỉnh 1,41 tỷ người vào năm 2021, dân số Trung Quốc đã giảm 850.000 người vào năm ngoái, mức giảm đầu tiên kể từ năm 1961. Ảnh: Tân Hoa xã
Chiến lược gia kỳ cựu Ed Yardeni - người sáng lập và chủ tịch của công ty tư vấn chiến lược kinh doanh và đầu tư toàn cầu Yardeni Research có trụ sở tại Mỹ - hôm 28/11 đã đăng một bài viết với tựa đề "Trung Quốc: Viện dưỡng lão lớn nhất thế giới" trên trang Yardeni Quick Takes, nêu chi tiết một số lo ngại của ông về tương lai của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Yardeni chỉ ra rằng, thị trường bất động sản èo uột sau thời kỳ tăng trưởng nóng trong nhiều năm nhờ nợ rẻ và tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số mạnh mẽ, cũng như các xu hướng nhân khẩu học đáng lo ngại của Trung Quốc, là những mối quan ngại chính đối với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh.
Ông lập luận rằng, giá nhà và chứng khoán giảm sẽ khiến người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn để "bù đắp cho sự xói mòn" tài sản của họ trong những năm tới. Và đó là công thức dẫn đến nền kinh tế tăng trưởng thấp và giảm phát khi dân số đang giảm.
Nhưng đáng chú ý là các vấn đề của Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia phương Tây, ít nhất là trong thời gian tới. Yardeni viết: "Nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng suy thoái do các vấn đề về tài sản và khả năng sinh sản. Đó là tin xấu đối với người dân và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, nhưng lại mang lại lợi ích cho những quốc gia nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc với giá thấp."
Yardeni giải thích rằng, "nền kinh tế yếu kém" của Trung Quốc là tin đặc biệt tốt cho Mỹ, vì nó buộc các nhà xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc phải hạ giá, giúp làm chậm tốc độ tăng chi phí của nhiều sản phẩm ở Mỹ. Đó là mục tiêu chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong hơn 20 tháng qua trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát bằng việc tăng lãi suất.
Yardeni lập luận rằng, các vấn đề kinh tế của Trung Quốc đã giúp tạo ra tình trạng "giảm lạm phát hoàn toàn" ở Mỹ, cho phép FED giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế.
Thị trường bất động sản èo uột là một trong những mối quan ngại chính đối với Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Theo nhà quan sát thị trường kỳ cựu, nền kinh tế ốm yếu của Trung Quốc cũng có thể là tin tốt cho mối quan hệ Mỹ-Trung. Căng thẳng song phương đã dẫn đến các lệnh trừng phạt và hạn chế xuất khẩu giữa các quốc gia, điều này cản trở thu nhập của cả doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây. Nhưng kỷ nguyên chủ nghĩa bảo hộ hiện nay ít có khả năng tiếp tục diễn ra khi nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn.
"Việc thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài để củng cố nền kinh tế sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Để đạt được điều đó, chính phủ Trung Quốc có thể phải trở nên ít đối đầu hơn trong các vấn đề đối ngoại… Nhìn chung, đây đều là những diễn biến tích cực đối với thị trường chứng khoán Mỹ", ông viết.
Yardeni tiếp tục liệt kê một vài số liệu thống kê quan trọng chứng minh các vấn đề về nhân khẩu học của Trung Quốc.
Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất được ông chỉ ra là tỷ lệ sinh giảm. Trung Quốc không hề đơn độc khi tỷ lệ sinh giảm. Tỷ lệ sinh ở Mỹ đã giảm xuống chỉ còn 1,64 ca sinh trên một phụ nữ. Nhưng Trung Quốc đang phải đối mặt với một phiên bản cực đoan hơn của hiện tượng này.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc (số ca sinh trên mỗi phụ nữ) đã ở dưới mức "hòa vốn" 2,0 kể từ năm 1991, và giảm xuống chỉ còn 1,16 vào năm 2021.
"Người Trung Quốc không có đủ trẻ sơ sinh để thay thế họ", Yardeni lập luận.
"Vào năm 2022, có 956.000 ca sinh ở Trung Quốc, mức thấp nhất từng được ghi nhận", Yardeni giải thích, chỉ vào dữ liệu từ năm 1950. "Con số này giảm 50% so với 10 năm trước."
Sau khi đạt đỉnh 1,41 tỷ người vào năm 2021, dân số Trung Quốc đã giảm 850.000 người vào năm ngoái, mức giảm đầu tiên kể từ năm 1961.
Thống kê dân số Trung Quốc 1950-2022 (đơn vị: triệu người). Nguồn: LSEG Datastream và Yardeni Research
Trong khi Yardeni lo ngại rằng các vấn đề nhân khẩu học của Trung Quốc có thể sẽ đè nặng lên đất nước trong nhiều năm tới, thì có một số dấu hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang bắt đầu phục hồi sau giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19.
Công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics có trụ sở tại Anh cho biết trong báo cáo ngày 23/11, nền kinh tế Trung Quốc đã có những bước tiến trong tháng 10 với mức tăng trưởng trên diện rộng ở các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Doanh số bán lẻ cũng tăng trong bối cảnh tâm lý người tiêu dùng ở Trung Quốc được cải thiện.
Theo báo cáo, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp chung "vẫn ở mức thấp so với tiêu chuẩn trước đây".
Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố lĩnh vực bất động sản - bao gồm các biện pháp cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của các nhà phát triển và giảm lãi suất thế chấp - cũng đã giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP ở Trung Quốc.
Các nhà kinh tế của Bank of America do nhà kinh tế toàn cầu Claudio Irigoyen đứng đầu giải thích rằng, họ thậm chí còn kỳ vọng thị trường nhà đất Trung Quốc sẽ "ổn định" trong nửa đầu năm 2024 sau nhiều tháng sụt giảm.
Irigoyen dự báo mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc tương đối mạnh mẽ là 4,8% vào năm 2024, tiếp theo là mức tăng trưởng 4,6% vào năm 2025.
Trong khi một số nhà kinh tế cảnh báo rằng Trung Quốc phải đối mặt với vấn đề giống như nền kinh tế Nhật Bản trong quá khứ (chỉ tình trạng giảm phát kéo dài, tăng trưởng thấp và thị trường bất động sản yếu kém bởi gánh nặng nợ nần), ông Irigoyen tin rằng chính phủ nước này vẫn có thể khắc phục tình hình.
Ông lập luận rằng Trung Quốc có thể tránh được tình trạng trên "nếu các nhà hoạch định chính sách kiên quyết đưa ra các biện pháp hiệu quả nhằm củng cố niềm tin và đảo ngược xu hướng giảm tốc tăng trưởng".
"Trong trung và dài hạn, Trung Quốc sẽ cần áp dụng cách tiếp cận đa hướng và chuyển sang mô hình tăng trưởng mới."
https://soha.vn/chuyen-gia-my-thanh-vien-duong-lao-lon-nhat-the-gioi-la-tin-xau-cho-trung-quoc-nhung-my-se-huong-loi-20231129121831774.htm