Chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Xuân: Hãy để con sống cuộc đời là chính mình

PV | 06/04/2022, 15:43
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - “Nhiều cha mẹ không dám để con tự trải nghiệm, tự sai rồi sửa sai. Kết quả là sai cả cuộc đời”, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Nguyễn Thị Hồng Xuân cho biết.

Suốt 20 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp cho thanh thiếu niên, câu hỏi mà bà Hồng Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế - Haru nhận được nhiều nhất từ các bậc cha mẹ là: Con tôi nên học nghề gì thì có tương lai?

Cha mẹ Việt vẫn luôn có xu hướng chọn nghề hộ con với suy nghĩ học nghề này thì ra trường cha mẹ xin được việc cho, hay học nghề kia thì thời thượng, lương cao. Bà Xuân Hồng nói: đó không phải tương lai.

“Tương lai được xây dựng nên bởi những gì con thực sự yêu thích với nó, có năng lực để làm việc với nó và kiên trì, bền bỉ với nó. Tương lai không nằm ở cái nghề do cha mẹ lựa chọn và sắp đặt”, nữ chuyên gia cho hay.

img_1181.jpg
Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Nguyễn Thị Hồng Xuân.

Cuộc trò chuyện với bà Xuân Hồng quanh câu chuyện chọn nghề cho con mang những kiến giải riêng của một chuyên gia giàu kinh nghiệm và yêu thích triết lý giáo dục của người Nhật.

Học cấp 3 mới hướng nghề không muộn nhưng đã qua thời điểm vàng

Theo thống kê, hàng năm Việt Nam có khoảng 40 vạn cử nhân ra trường nhưng con số thất nghiệp xấp xỉ 20 vạn lao động. Theo bà, điều này có liên quan gì tới việc lựa chọn nghề nghiệp của những học sinh phổ thông hay không?

Có nhiều nguyên nhân của con số mà bạn dẫn chứng, trong đó tôi cho rằng có sự thụ động từ chính bộ phận học sinh. Lâu nay, việc lựa chọn ngành nghề hay trường của các học sinh phổ thông đa số đều nghe theo sự sắp đặt, kỳ vọng từ bố mẹ. Con trẻ không được định hướng nghề nghiệp từ sớm, không có hiểu biết về các ngành nghề trong xã hội, chọn ngành hot, trường tốt mà không biết bản thân có năng lực phù hợp hay không.

Bên cạnh đó, tính kỷ luật trong lối sống và tác phong làm việc của các bạn trẻ Việt chưa cao. Nhà trường, gia đình không rèn luyện cho các bạn những phẩm chất đó, dẫn đến tình trạng nhiều cử nhân tự đào thải mình ra khỏi môi trường doanh nghiệp đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Các bạn không thích nghi được khi giữ quá lâu thói quen bừa bãi, sai hẹn, lề mề, làm việc riêng trong giờ lao động, thiếu kỹ năng ứng xử với đồng nghiệp…

Tất cả những điều này lẽ ra đều có thể thay đổi được khi các bạn còn là học sinh phổ thông hay thậm chí là khi đã đi học nghề, học đại học, nếu như các bạn nhận được sự định hướng tốt từ thầy cô, cha mẹ. Chọn nghề gì chỉ là một phần thôi, phải rèn luyện những gì để trở thành một người lao động hữu ích còn quan trọng hơn bởi có những phẩm chất cốt lõi chung mà nghề nào cũng cần: đó là sự chăm chỉ, kiên trì, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn, có trách nhiệm, tuân thủ kỷ luật…

Thưa bà, vậy tuổi nào thì cha mẹ nên định hướng nghề nghiệp cho con?

Thông thường các cha mẹ thường hỏi tôi câu này khi con cái họ đã trong độ tuổi học THPT. Ở độ tuổi này mới hướng nghiệp cho con không phải là muộn, nhưng không còn là thời điểm vàng.

Rất nhiều trẻ ngay từ bé đã bộc lộ những năng khiếu, khả năng đặc biệt riêng. Nếu như cha mẹ dành thời gian cho con đủ, cha mẹ sẽ phát hiện ra khả năng này để bồi dưỡng, phát huy một cách hợp lý.

Song song với đó, trẻ cần được trang bị kỹ năng sống, vốn kiến thức và ngoại ngữ. Dù tương lai trẻ làm nghề gì thì ba yếu tố này đều không thể thiếu trong việc định vị bản thân, gia tăng cơ hội lựa chọn nghề nghiệp.

Nếu như cha mẹ quá bận rộn, lại không có điều kiện tài chính đầu tư cho con trải nghiệm, học tập từ nhỏ, thì chí ít cha mẹ hãy tôn trọng các sở thích, cá tính riêng của con. Ví dụ khi đưa trẻ đi mua quà nhân một dịp nào đó, cha mẹ chỉ nên giới hạn số tiền cho phép và để trẻ tự lựa chọn thay vì chọn hộ, bắt con “chọn” theo ý cha mẹ. Trẻ thích mặc quần áo như thế nào, phối đồ ra sao cũng nên tôn trọng dù không vừa mắt cha mẹ. Khi trẻ được quyền tự lựa chọn theo sở thích cá nhân từ nhỏ, lớn lên chúng sẽ tự biết chúng thích gì, muốn gì và lên kế hoạch để đạt được mục tiêu của mình thay vì tiếp tục để cha mẹ đặt đâu thì ngồi đấy.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào chọn nghề theo sở thích cá nhân cũng là đúng đắn. Tỷ phú Mark Cuban từng nói: “Hãy theo đuổi đam mê là lời khuyên dối trá nhất”, bởi thứ bạn đam mê chưa chắc đã là thứ bạn giỏi.

Điều đó không sai. Tôi vẫn chia sẻ với các bậc cha mẹ về ba việc cần làm để tìm ra nghề nghiệp lý tưởng cho con. Một là khám phá thứ con thích, hai là xác định thứ con giỏi, bà là tìm hiểu thứ xã hội cần. Nghề nghiệp lý tưởng chính là điểm giao thoa giữa ba yếu tố đó. Sau cùng, mỗi người cần đánh giá điều chỉnh lại bản thân để phù hợp với nghề nghiệp lựa chọn.

Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng lý tưởng. Nếu như không thể lý tưởng thì hãy để cho trẻ được tự lựa chọn đi. Chúng có thể sai nhưng cứ để chúng sai đi. Con người ta học được nhiều điều từ những lần sai chứ không phải từ những lần đúng.

Không phải cha mẹ nào cũng sẵn sàng đành lòng để con sai. Từ nói được đến làm được là rất khó khăn, thưa bà.

Đúng là như vậy, bởi vì bản thân tôi cũng là một người mẹ. Nhưng tôi vẫn khuyên các cha mẹ hãy buông những kỳ vọng của mình xuống. Cha mẹ áp lực thực ra vì lo những ước mơ của mình đặt vào con cái không thành chứ không phải lo lắng cho ước mơ của con không thành. Hãy cứ để con sống cuộc đời con, ước mơ của con, sai lầm của chính con, rồi con sẽ trưởng thành và tìm được ý nghĩa thực sự của cuộc đời.

Ngày xưa, khi con tôi bị ốm, chồng tôi có nói rằng không cần gì cả, không cần con tài giỏi, thành đạt, chỉ cần con khỏe mạnh ở với bố mẹ là đủ rồi. Tới khi cháu lớn, mỗi khi chồng tôi để lộ những kỳ vọng của anh ấy vào con cái, tôi lại nhắc cho anh nhớ những gì anh nói năm xưa. Con cái khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc vẫn là cái mà mình tha thiết mong cầu nhất. Tất cả những cái khác, tiền bạc, sự thành công, sự nổi tiếng… đều chỉ là thứ hào quang che mắt chúng ta, làm chúng ta quên đi mong muốn thực sự của mình mà thôi.

Có rất nhiều con đường để bước vào đời, cứ để con đi trên đôi chân của mình

Quay trở lại nỗi trăn trở của các bậc phụ huynh, sau khi tốt nghiệp phổ thông thì nên chọn học gì, làm gì để bắt kịp với xu thế tương lai. Bà có tư vấn gì cho các cha mẹ và học sinh, nhất là thời điểm kỳ thi THPT quốc gia sắp diễn ra trong 3 tháng nữa?

Có rất nhiều con đường để một thanh niên 18 tuổi lựa chọn bước vào đời. Ở Việt Nam có thể tóm gọn trong 6 sự lựa chọn từ thấp đến cao: 1 là tham gia vào thị trường lao động phổ thông, 2 là đi học nghề, 3 là du học nghề, 4 là du học, 5 là học đại học trong nước và 6 là khởi nghiệp. Bất kỳ sự lựa chọn nào cũng có những cơ hội riêng nhưng điều đầu tiên đó phải là sự lựa chọn của mình xuất phát từ định vị đúng bản thân, biết mình muốn gì, sở trường sở đoản gì, lợi thế gì, khó khăn gì.

Điều tôi trăn trở là nhiều phụ huynh thấy con nhà hàng xóm học gì là đòi con mình học cái đó, làm cái đó mà không biết thực sự con mình muốn gì. Định vị bản thân được rồi thì cần tìm người có kinh nghiệm và có tâm để tư vấn.

Phụ huynh ngày nay đã bắt đầu thực tế hơn. Họ không bất chấp cho con vào đại học trong nước bằng mọi giá nữa mà tìm đến những lựa chọn 1-2-3-4 như bà kể trên. Tuy nhiên, không ít người vẫn hoang mang, nhất là khi cho con đi du học nghề, đó là sau vài năm trở về với số tiền tỷ trong tay thì con họ một lần nữa đối mặt với câu hỏi: “Làm gì?”.

Đúng vậy. Và nhiều người chọn đi tiếp do không biết sẽ phải làm gì nếu ở Việt Nam.

Tôi hay hỏi các bạn thực tập sinh/du học sinh Nhật Bản về mục đích đi Nhật của các bạn là gì? Nếu đi lao động thì sau này về làm gì, du học thì sau này về làm gì. Nhiều phụ huynh nghĩ ngắn là đi kiếm vài trăm triệu rồi về lấy chồng, lấy vợ, có chút vốn dắt lưng và chỉ có vậy.

Vì thế trước khi đi, các bạn ấy phải tự vẽ ra tương lai cho mình đã. Định vị bản thân như thế nào sẽ giúp các bạn có ý thức làm việc, học tập cao nhất, biết quan sát tích lũy những kinh nghiệm khoa học kỹ thuật và cả lối sống, tác phong từ người Nhật, văn hóa Nhật, nhờ đó thay đổi, trưởng thành rất nhiều. Khi trở về Việt Nam, vài trăm triệu các bạn có chỉ là thứ nhỏ thôi, kiến thức mà các bạn thu hoạch được mới là tài sản quý hơn. Đó là vốn liếng để các bạn lập nghiệp tại quê nhà.

Việc du học trước đây là điều gì đó xa vời, chỉ dành cho con nhà giàu, nhưng hiện tại cơ hội rộng mở cho nhiều đối tượng ở mức thu nhập khác nhau. Bà có tư vấn gì cho các bậc phụ huynh có mong muốn đưa con cái đi du học?

Đúng như bạn nói, cơ hội du học ngày nay rất rộng mở. Ngoài Mỹ, Úc, Châu Âu, du học ở các nước châu Á ngày càng phát triển với nhiều hình thức cho nhiều đối tượng, nhiều nhu cầu khác nhau. Như Nhật Bản có du học vừa học vừa làm với mức chi phí trung bình khoảng 200 triệu/năm, rất thấp so với các nước Âu Mỹ. Nhưng phụ huynh và chính các bạn sinh viên vẫn phải trả lời được câu hỏi ban đầu: Mục đích đi để làm gì? Không thể vừa học tốt lại vừa kiếm được nhiều tiền. Muốn kiếm nhiều tiền thì việc học sẽ không đến nơi đến chốn, cuối cùng lại thành dở dang. Nên tập trung cho một mục tiêu thay vì tham lam.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Bài liên quan
Hà Nội: 965 đơn vị tư vấn du học được cấp phép hoạt động
(GDTD) - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố danh sách 965 trung tâm tư vấn du học đã được cấp phép hoạt động tính đến ngày 31/7.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Xuân: Hãy để con sống cuộc đời là chính mình