Hà Nội có 14 năm ngày mùng 1 Tết nhiệt độ trung bình ngày trên 19 độ C (chiếm hơn 41% số liệu thống kê). Từ năm 1990-2023, ngày mùng 1 Tết Nguyên đán ở Hà Nội có 6 năm rét đậm (nhiệt độ trung bình 13-15 độ C) và 7 năm trời rét (nhiệt độ 16-19 độ C).
Rét hại với nhiệt độ trung bình dưới 13 độ C chủ yếu tập trung vào dịp Tết từ năm 2013 trở về trước.
Năm 2023, miền Bắc đón ngày đầu năm mới trong thời tiết rét. Nhiệt độ trung bình ở Hà Nội ngày mùng 1 Tết Quý Mão ghi nhận 17,3 độ C.
Theo Tổng Cục khí tượng thuỷ văn, năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử quan trắc khi nhiệt độ toàn cầu cao hơn mức thời tiền công nghiệp 1,45 độ C, tiến gần đến giới hạn đặt ra là 2 độ C trong Thoả thuận Paris thông qua năm 2015.
Tại Việt Nam, nắng nóng với nhiệt độ vượt kỷ lục được ghi nhận tại Tương Dương (Nghệ An) 44,2 độ C, đây cũng là giá trị nhiệt độ ngày cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc.
Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn dự báo, năm 2024 có thể là năm thứ 10 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu lên cao nhất và thiên tai sẽ bất thường hơn. Nắng nóng tại Nam Bộ, Tây Bắc Bộ và Trung Bộ nước ta khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.
Hiện tượng El Nino sẽ chuyển sang trạng thái trung tính vào giữa năm, sau đó xuất hiện hiện tượng La Nina.
Theo dự báo, bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ở Biển Đông sẽ nhiều hơn, cơ cấu bão ở Biển Đông sẽ chiếm 1/3 so với toàn bộ số cơn bão. Mưa dông và mưa lớn thời đoạn ngắn xuất hiện thường xuyên hơn, gây lở đất vùng núi, ngập lụt đô thị.
El Nino được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương, kéo dài 8-12 tháng (hoặc lâu hơn), thường xuất hiện 3-4 năm/lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.
La Nina (ngược với El Nino) là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino.