Chuyên gia nói gì về trường hợp 2 bệnh nhi mắc viêm màng não do não mô cầu

09/11/2023, 12:56
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Kịp thời” là từ khóa quan trọng được giới chuyên gia kết luận sau ca cấp cứu cho 2 bệnh nhi cùng nhà mắc phải "bệnh tử" viêm màng não do não mô cầu.

Chiến thắng “cuộc đua sinh tồn 24h”

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện do mắc viêm màng não do não mô cầu. Trong đó, được chú ý là trường hợp 2 bệnh nhi trong cùng một gia đình, nam 4 tuổi và nữ 9 tuổi, ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, cùng nhập viện trong tình trạng xuất huyết (hay còn gọi là tử ban) toàn thân.

Chuyên gia nói gì về trường hợp 2 bệnh nhi mắc viêm màng não do não mô cầu - 1

Viêm màng não do não mô cầu đặt người bệnh và gia đình vào cuộc "chạy đua" để giành lấy cơ hội sống sót

Cụ thể, bé trai có triệu chứng sốt, đau đầu, ho, chảy nước mũi. Gia đình cho bé đi khám và mua thuốc tại phòng khám gần nhà nhưng không đỡ. Sau đó 2 ngày, chị gái 9 tuổi của bệnh nhi bắt đầu có các biểu hiện tương tự.

Gia đình đã đưa 2 bé đến khám tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết/theo dõi viêm màng não do não mô cầu. Cả hai ngay lập tức được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị, có kết quả xét nghiệm dương tính với não mô cầu. Cả hai chị em đều chưa được tiêm vắc-xin phòng não mô cầu.

Nhận định về trường hợp này, TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Bệnh có diễn biến rất nhanh, trẻ có thể tử vong trong vòng 24-48 giờ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hai trẻ nhập viện kịp thời và được các bác sĩ theo dõi sát sao tình trạng rối loạn huyết động. Sau 2 ngày, tình trạng của cả hai đã ổn định, sau đó được xuất viện và may mắn là không để lại di chứng nào”.

Chuyên gia nói gì về trường hợp 2 bệnh nhi mắc viêm màng não do não mô cầu - 2

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ về trường hợp 2 bệnh nhi tại Bắc Ninh.

Nhiều trường hợp bệnh nhân được người nhà cho nhập viện khi đã xuất hiện tử ban, co giật, hôn mê, khi đó đã muộn để can thiệp y tế. Nguyên nhân là bởi bệnh diễn tiến rất nhanh nhưng các triệu chứng ban đầu chỉ giống như một số bệnh cảnh thông thường và không đặc hiệu như sốt, đau họng, buồn nôn… khiến bệnh nhân và người nhà dễ nhầm với cúm hoặc sốt vi rút. Do đó, người dân thường chủ quan, chọn chăm sóc và điều trị tại nhà chứ không đến khám tại cơ sở y tế.

Viêm màng não do não mô cầu rất khó để chẩn đoán đúng ở giai đoạn sớm. Thậm chí khi được chẩn đoán sớm và điều trị đầy đủ từ ban đầu, bệnh nhân vẫn đối mặt với tỉ lệ tử vong từ 8-15%. Hơn nữa, dù may mắn sống sót thì bệnh nhân vẫn chịu những di chứng nghiêm trọng như hoại tử chi, điếc, liệt, chậm phát triển trí tuệ.

Viêm màng não do não mô cầu - cẩn trọng không bao giờ thừa

Bệnh viêm màng não do não mô cầu xảy ra ở mọi độ tuổi. Trong đó, nhóm đối tượng nguy cơ cao là trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên từ 14-20 tuổi đang học tập, sinh hoạt trong khu vực đông người (nhà trẻ, trường học, chung cư) và các cơ địa suy giảm miễn dịch. ​Bệnh lây từ người sang người thông qua giọt bắn hoặc dịch tiết đường hô hấp.

Chuyên gia nói gì về trường hợp 2 bệnh nhi mắc viêm màng não do não mô cầu - 3

Chủ quan với viêm màng não do não mô cầu có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Theo nhiều nghiên cứu và thống kê, có khoảng 10-20% dân số mang vi khuẩn não mô cầu tại hầu họng mà bản thân không biểu hiện triệu chứng. Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm bệnh và trở thành nguồn lây. Đôi khi chúng ta là “người lành mang trùng” (người mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng) mà không hề hay biết.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân khi thấy người có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, cứng cổ cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bên cạnh việc vệ sinh cá nhân (rửa tay, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn…), biện pháp tốt nhất là chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh. Tùy theo loại vắc-xin mà hiệu quả bảo vệ có thể lên đến 90%.

Vi khuẩn gây bệnh do não mô cầu có 12 nhóm huyết thanh khác nhau, trong đó 5 nhóm thường gặp là A, B, C, Y, W-135. Hiện tại Việt Nam đã có 2 loại vắc-xin giúp bảo vệ đủ khỏi 5 nhóm này. Người dân cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn loại vắc xin phù hợp.

Bài liên quan
Mắc viêm màng não do liên cầu lợn vì "mê" nem chua, thịt lợn tái
Viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn nếu chẩn đoán điều trị muộn di chứng nặng nề và không thể hồi phục.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia nói gì về trường hợp 2 bệnh nhi mắc viêm màng não do não mô cầu