Gây nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe
Đem thông tin về khả năng ăn uống đáng kinh ngạc của các "thánh ăn" trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, bà khẳng định: "Không một hệ tiêu hóa bình thường nào có thể "chấp nhận" được việc nạp quá nhiều đồ ăn đến thế".
Theo đó, kích thước dạ dày của mỗi người là khác nhau, trung bình dài 25cm, rộng từ 10 đến 15 cm và có thể chứa khoảng 1-2kg thức ăn. Và để tiêu hóa hết số thức ăn này phải cần một khoảng thời gian từ 2 đến 6 giờ. Do đó, trường hợp người bình thường ăn đến 5-6kg thức ăn là điều rất khó xảy ra.
Trước đây, khi nhắc đến các "thánh ăn", các chuyên gia tiêu hóa cho rằng, những người này rất có thể gặp phải hội chứng Dumping. Đây là một nhóm các triệu chứng có thể xảy ra nếu phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần của dạ dày, hoặc nếu dạ dày đã được phẫu thuật nối tắt để giúp giảm cân.
Hội chứng này còn được gọi là hội chứng dạ dày rỗng nhanh chóng, xảy ra khi các phần chưa được tiêu hóa trong dạ dày được vận chuyển vào ruột non quá nhanh.
Còn nếu không thuộc hội chứng Dumping thì trường hợp những người ăn không biết no có thể đã bị tổn thương ở não, não của họ luôn nhận được tín hiệu là dạ dày mình đang trống rỗng nên thôi thúc ăn.
Theo các chuyên gia, dù là nguyên nhân nào, việc nạp quá nhiều thức ăn vào trong cơ thể một lúc cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu đối với sức khỏe. Phân tích cụ thể về điều này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đối với nữ giới trưởng thành, nhu cầu dinh dưỡng một ngày để vận động, sinh hoạt bình thường cần nạp vào cơ thể là 1.800 kcal; với nam giới từ 2.000 – 2.400 kcal.
Do đó, ăn quá nhiều sẽ dẫn đến dư thừa năng lượng, gây hậu quả là thừa cân, béo phì. Bên cạnh đó, thừa đạm tăng gánh nặng cho thận, dẫn đến suy thận và hàng loạt hệ lụy khác cho sức khỏe.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm lấy ví dụ, như trường hợp người phụ nữ ăn gần hết cả con lợn quay thì việc dư thừa chất đạm, chất béo là điều chắc chắn. Còn việc ăn bát bún hải sản nặng đến 5kg sẽ dẫn đến dư thừa năng lượng. Bởi chỉ cần ăn 2kg bún là đã nạp vào cơ thể khoảng 3.500 kcal, gấp đôi nhu cầu năng lượng của cả một ngày ở một người bình thường. Chưa kể người này còn ăn các thức ăn khác trong ngày.
Nhận định về những trường hợp có sức ăn lớn, vị chuyên gia này nghiêng về khả năng những người đó có thể gặp các vấn đề về nội tiết – chuyển hóa khiến cơ thể lúc nào cũng cảm thấy đói nên phải ăn thật nhiều. Hoặc hệ tiêu hóa có vấn đề nên không hấp thu được các chất dinh dưỡng dẫn đến việc ăn nhiều nhưng vẫn gầy.