Chuyên gia cho rằng khi khoan giếng gặp tầng chứa nước có áp suất lớn nên xuất hiện nước dạng sương, phun lên cao.
Liên quan đến hiện tượng giếng nước trên đỉnh đồi của nhà ông Đàm Xuân Hòa (xã Ia Kly, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) phun cao bất thường, các chuyên gia đã lên tiếng.
Theo đó, những ngày gần đây, từ giếng khoan cũ độ sâu khoảng 100 mét, gia đình ông Đàm Xuân Hòa đã cải tạo, khoan sâu gần 190 mét. Tới độ sâu này, giếng khoan bất ngờ có luồng khí từ dưới đất phun lên rất mạnh, cao hàng chục mét, kèm theo đó là nước dạng sương.
Qua kiểm tra, nước từ giếng phun lên không có mùi lạ, như nước sinh hoạt sử dụng thông thường.
Giếng nhà ông Đàm Xuân Hòa phun cao hàng chục mét
Ông Rơ Mah Hêng, Chủ tịch UBND xã Ia Kly, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, cho hay nước phun lên khỏi mặt giếng là hiện tượng rất lạ, chưa từng thấy trên địa bàn. Ông Hêng cũng cho rằng hiện tượng này xuất hiện sau khi xảy ra trận động có độ lớn 5.0 tại tỉnh Kon Tum, cách giếng gần 200 km.
Tuy nhiên, ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, cho biết trận động đất lớn ở Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra trưa 28-7, nhưng đến ngày 30-7, thì giếng nước của gia đình ông Hòa mới phun trào. Do đó, không có cơ sở để khẳng định việc giếng nước phun trào là do dư chấn động đất gây ra.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thanh Thuỷ, Trưởng Khoa Địa chất Khoáng sản, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nhận định có thể người dân khi khoan giếng gặp tầng đất ngậm nước. Ở tầng này có đặc điểm khác là áp suất lớn so với các tầng khác. Do đó, người dân khoan tới tầng đất này sẽ xuất hiện nước dạng sương, hơi bay lên không trung. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường trong địa chất, thủy văn. Tuy nhiên cần có thời gian nghiên cứu để xác định chính xác nguyên nhân.
Giếng nước phun cao sau khi gia đình ông Đàm Xuân Hòa khoan giếng ngày 30-7