Việc chất lượng đầu vào được cải thiện là một tín hiệu tốt và quan trọng cho công cuộc đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Cường, để duy trì bền vững sự hấp dẫn của ngành sư phạm trong công tác tuyển sinh thì vẫn rất cần cải thiện chế độ tuyển dụng, đãi ngộ và điều kiện làm việc của giáo viên ở các trường phổ thông.
Hiện nay lương của giáo viên còn rất thấp, nhất là đối với giáo viên mới, trong khi sinh hoạt phí ngày càng cao. Bên cạnh đó, giáo viên phàn nàn về những tiêu cực trong việc tuyển dụng giáo viên ở nhiều cơ sở giáo dục. Đó là những rào cản ảnh hưởng đến sự hấp dẫn vốn có và cần có của ngành sư phạm.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội nhìn nhận: Các biến số như tâm lý, quan niệm xã hội về nghề giáo, sự ổn định trong công việc và phát triển nghề, các chính sách hỗ trợ trong đào tạo giáo viên hiện hành, chính sách mới về giáo viên dạy môn tích hợp… được đặt trong bối cảnh phương thức xét tuyển đa dạng, chỉ tiêu các ngành sư phạm giảm, số lượng thí sinh đăng ký vẫn duy trì ở mức ổn định, số lượng dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của các trường có hạn, nên việc “chốt điểm thi” đã tạo nên độ hot của ngành sư phạm năm nay.
Trước hết cần nhận diện rõ “điểm chuẩn vào sư phạm cao” có nghĩa là như thế nào? Lưu ý điều này, TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh, đây là điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Về bản chất, điểm chuẩn vào các ngành sư phạm theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT luôn là kết quả của cách tính dựa trên sự cân đối giữa số lượng thí sinh đăng ký, điểm thi tốt nghiệp THPT, số chỉ tiêu được giao cho các trường (số lượng chỗ có hạn theo từng ngành) và số chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm tốt nghiệp THPT.
Như vậy, có thể thấy “mẫu số” số chỉ tiêu được giao là nhân tố chính khiến cho “điểm chuẩn” này tăng vọt. Điểm theo phương thức này phản ánh hiện trạng mang tính “nhất thời” và “một mặt” của vấn đề tuyển sinh sư phạm. Do đó, đối với các ngành sư phạm nên có các phương thức mang tính tích hợp, tổ hợp tuyển sinh khác để đảm bảo tính bền vững, chất lượng đầu vào (đánh giá năng lực, sơ tuyển, học bạ…).
Nêu quan điểm tương tự, theo ThS Nguyễn Vinh San, bên cạnh niềm vui thì chúng ta cũng cần tiếp tục nghĩ tới các chính sách mới hay các giải pháp hay để duy trì và nâng cao chất lượng đầu vào của ngành sư phạm.
Bên cạnh quan tâm các chính sách đầu ra cho sinh viên sư phạm tốt nghiệp, cho đội ngũ nhà giáo nói riêng và đội ngũ giáo viên nói chung, cần nhìn nhận việc triển khai Nghị định 116 ở một số địa phương vẫn còn chưa tốt, nhiều trường đại học sinh viên vẫn chưa nhận được hỗ trợ của năm học trước dẫn tới sự lo lắng cho sinh viên khóa cũ cũng như tân sinh viên. Ngành Giáo dục cần phối hợp với các địa phương và trường đại học giải quyết đảm bảo quyền lợi cho sinh viên và phát huy ưu điểm của chính sách này.
Còn PGS.TS Nguyễn Chí Thành thì cho rằng, cấu trúc và nội dung kỳ thi tốt nghiệp THPT cần bảo đảm sự ổn định, có độ phân hóa cao hơn để các trường đại học có thể sử dụng hiệu quả trong việc xét tuyển. Về phía các trường đại học, cần chủ động và đa dạng các hình thức tuyển sinh người học phù hợp với yêu cầu của nhà trường. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần có hướng dẫn, điều chỉnh để Nghị định 116 về hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm được thực hiện một cách hiệu quả.
"Chính sách thu hút đầu vào đã thể hiện được tính hiệu quả, nhưng sẽ chất lượng hơn nếu chúng ta có thêm các chính sách đầu ra cho sinh viên sư phạm tốt nghiệp, cho đội ngũ nhà giáo trẻ nói riêng và đội ngũ giáo viên nói chung. Lúc đó, chính sách mới thực sự trọn vẹn và chất lượng đầu vào sư phạm chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa".
ThS Nguyễn Vinh San