Overthinking, theo TS Tô Nhi A có thể được phân loại theo mức độ trong giới hạn bình thường và ở mức bệnh tâm lý; theo tiến trình, có overthinking về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ (như chuyện tình cảm đã tan vỡ, chuyện đã từng thi rớt) và về những chuyện còn đang ở tương lai (như lo sợ thi rớt, không có việc làm).
“Ai cũng có thể bị overthinking nhưng đó không phải là tận thế. Hãy cho cơ thể khoảng 3 tuần để tự thay đổi. Nếu không có cải thiện, cuộc sống và công việc bị ảnh hưởng; cơ thể có những thay đổi về ăn, ngủ, khó tập trung, khó ghi nhớ ... hãy trị liệu tâm lý ngay.” - TS Tô Nhi A lưu ý.
Theo phân tích của TS Tô Nhi A, sự xuất hiện của overthinking là cơ chế để bảo vệ cơ thể trước những khó khăn. Những suy nghĩ quá mức khiến cơ thể có cảm giác được an ủi, được yên tâm, từ đó suy nghĩ được nuôi dưỡng để đi rất xa. Nếu tình trạng đã đến mức rối loạn, việc trị liệu tâm lý là cần làm đồng thời cũng phải duy trì điều trị bằng thuốc.
Để thoát khỏi “đại dương suy nghĩ” trước khi đi quá xa đến mức trở thành các rối loạn, giải pháp trước mắt được chuyên gia khuyến cáo là hãy thực hành chánh niệm (tập trung vào hiện tại trong mỗi hành vi) để cắt đứt dòng suy nghĩ quẩn quanh.
Giải pháp lâu dài hơn, sinh viên phải thay đổi hành vi và lối sống một cách kỷ luật. Chẳng hạn, phải đặt ra mục tiêu bằng các con số cụ thể của việc vận động và dinh dưỡng mỗi ngày cũng như đo lường sự phát triển cá nhân.
“Những hoạt động như đi bộ, chạy, bơi, yoga giúp khởi tạo hoạt động của các nhóm cơ, giúp tiêu hao năng lượng dẫn đến nhu cầu ngủ một cách tự nhiên. Thực hiện các hoạt động giúp phát triển bản thân như học các kỹ năng mới sẽ tạo ra cảm giác yên tâm về năng lực của mình, từ đó giảm bớt overthinking” -TS Tô Nhi A chia sẻ
Với những sinh viên muốn giúp người nhà và bạn bè thoát khỏi overthinking, TS Tô Nhi A lưu ý không nên dùng vấn đề tâm lý của bạn để ép bạn thay đổi, vì điều này càng khiến họ trở nên sợ hãi hơn. Thay vào đó, để giúp bạn thay đổi, chỉ cần tạo ra các hoạt động hữu ích và tìm cách giúp bạn tham gia vào các hoạt động này.
Vì sao overthinking có vẻ như xuất hiện ngày càng nhiều ở giới trẻ hiện nay? TS Tô Nhi A cho rằng, để có đánh giá nhiều hơn hay ít hơn, cần có những số liệu được đánh giá một cách khoa học. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là với sự xuất hiện của internet, những người bị overthinking chia sẻ nhiều hơn, từ đó dẫn đến cảm giác như tình trạng này đang nhiều hơn so với các thế hệ trước.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ, nhất là internet và mạng xã hội, khiến giới trẻ trở nên ít vận động hơn. Cuộc sống được bảo bọc và đầy đủ vật chất cũng khiến người trẻ ít rèn luyện kỹ năng hơn, dễ nảy sinh lo âu khi va chạm với khó khăn của cuộc sống.
Talkshow 'Gỡ: Thoát khỏi đại dương suy nghĩ' do sinh viên khoa Báo chí – Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức nhằm cung cấp thông tin và đưa ra phương pháp giúp sinh viên thoát khỏi tình trạng overthinking đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Sự kiện có sự tham gia chia sẻ của chuyên gia tâm lý, sinh viên và những người trẻ đang có ảnh hưởng trên mạng xã hội cùng sự tham gia lắng nghe của hơn 300 sinh viên tại TPHCM.