Theo Jones, Nga có thể chấp nhận một "chiến thắng" dưới hình thức một thỏa thuận hòa bình, công nhận các vùng lãnh thổ sáp nhập từ Ukraine là thuộc Nga.
Jones cho biết, trong tình hình hiện tại, các lực lượng Nga có rất ít triển vọng cho các hoạt động tấn công. Theo chuyên gia, mục tiêu của Nga bây giờ là củng cố các vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát, ngăn chặn các lực lượng Ukraine giải phóng thêm lãnh thổ và sau đó chờ đợi.
Nga rút lui, Ukraine chiến thắng
Có khả năng Ukraine sẽ giành được lợi thế ở những nơi như Luhansk và Donetsk ở phía đông và Zaporozhye ở phía nam như một phần của cuộc phản công.
Jones nói: “Có khả năng Ukraine sẽ đạt được những bước tiến lớn, nhưng việc đẩy lùi người Nga ra khỏi những vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát, điều đó sẽ rất khó khăn”.
Binh sĩ Ukraine được huấn luyện sử dụng xe tăng Leopard 2. Ảnh: Getty
Xung đột kéo dài
Một khả năng có thể xảy ra là giao tranh tiếp tục diễn ra quyết liệt trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm mà không có người chiến thắng. Cuộc xung đột về cơ bản có thể trở thành một cuộc chiến tiêu hao, trong đó cả hai bên cố gắng bào mòn nhau đến mức sụp đổ.
Không rõ bên nào sẽ có thể cầm cự lâu hơn. Trong khi Ukraine nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ phương Tây, thì Nga có nhiều nhân lực hơn, Jones nói.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết vào tháng 5 rằng ông nghĩ xung đột có thể kéo dài nhiều thập kỷ, vì Nga sẽ đấu tranh để đạt được các mục tiêu quân sự của mình.
Tuy nhiên, nhân lực dồi dào của Nga có nghĩa là Ukraine khó có thể giành lại toàn bộ lãnh thổ mà họ cho là của mình, ông nói thêm.
"Điều đó có nghĩa là giao tranh sẽ tiếp tục, sẽ rất khó khăn. Và đến một lúc nào đó, cả hai bên sẽ đàm phán để giải quyết hoặc sẽ đi đến một kết luận quân sự", ông nói.
Chiến tranh hạt nhân và/hoặc sự can thiệp của NATO
Kịch bản bùng phát chiến tranh hạt nhân đã nhiều lần được các chuyên gia đưa ra kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Jones nói rằng có những rủi ro lớn liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, và không rõ liệu NATO có tham gia vào kịch bản đó hay không. Một quan chức cấp cao trước đây từng nói rằng việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân có thể gây ra "phản ứng vật lý" từ NATO.
Tuy nhiên, Jones nói rằng việc NATO tuyên chiến với Nga có thể tạo ra một cuộc chiến lớn kéo theo các nước khác như Trung Quốc, đây là điều mà khối này có thể muốn tránh.
Thay vào đó, NATO trước tiên có thể sẽ xem xét tăng cường trừng phạt và hỗ trợ vũ khí cho Ukraine.
Theo Business Insider