Nhà vua lúc đó là Lý Anh Tông biết chuyện, sai người ra đón rước nhưng không được. Dân bãi Đồng Nhân lấy vải đỏ đón các bà vào thì thấy tượng đá cao lớn và nặng, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp, hai tay trỏ lên trời, một chân quỳ, một chân ngả ra. Vua bèn giáng chỉ truyền cho dân làng này dựng đền thờ hai cỗ tượng các bà ở bên sông. Việc này là vào năm Đại Định thứ 3 (tức 1142)”.
Sách “Đại Nam nhất thống chí”, phần Hà Nội cũng ghi chép tương tự. Như vậy, muộn nhất là vào năm 1142 bên bờ sông Cái đã có làng Đồng Nhân với tên gọi là Đồng Nhân Châu - nơi đó có miếu thờ Hai Bà. Nói cách khác, miếu thờ Hai Bà Trưng hiện diện ở phường Bạch Đằng hiện nay đã có từ thế kỷ 12.
Và thực tế, đền Hai Bà thuộc phường Đồng Nhân được xây dựng sau này - vào thời nhà Nguyễn. Tấm bia do Tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm 1840 chính là đáp án chính xác nhất.
Bài văn sau khi khẳng định sự nghiệp và công đức Hai Bà, có một đoạn nói về lai lịch đền, rằng: “Tại làng Đồng Nhân, huyện Thanh Trì, từ xưa có lập đền thờ Hai Bà ở bãi sông. Về sau sông lở, dân làng chọn được một nơi ở Võ Miếu, thuộc thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương, được ban cấp hơn 6 mẫu để lập đền làm nơi hương đèn phụng thờ. Việc ấy được vua xuống chỉ chuẩn y”.
Như thế có nghĩa đền Hai Bà ở phường Đồng Nhân ngày nay là hậu thân của đền Hai Bà ở phường Bạch Đằng. Chỗ này vốn là đất thuộc Võ Miếu nằm trên địa phận thôn Hương Viên.
Vì sông lở, đền gốc ngoài Đồng Nhân Châu mới dời vào đây và được cấp cho hơn 6 mẫu đất. Thế là dân ngoài bãi một số dời nhà theo đền mới, rồi lập đình và chùa ở hai bên đền, trở thành xóm Chùa. Về thời điểm dời đền thì sách “Trưng Vương lưỡng vị sự tích” có nêu đó là năm Gia Long thứ 18 (1819).
Miếu Đồng Nhân nhìn ra sông Hồng - nơi Hai Bà Trưng hiển linh. |
Miếu Đồng Nhân tại đường Bạch Đằng. |
Đến nay, theo mạch nguồn lịch sử lập miếu, dựng đền thì người dân Đồng Nhân ngoài bãi hay trong xóm Chùa vẫn là một cộng đồng chung một gốc gác. Tuy do sự phân chia hành chính riêng biệt theo địa lý nhưng mọi phong tục vẫn tuân thủ như nhau.
Hằng năm, họ cùng tổ chức tế lễ Thành hoàng ở đình, mở hội ở đền. Khi có mở hội thì diễn ra ở cả hai nơi, như rước kiệu từ đền ra miếu rồi từ miếu đi thuyền ra giữa sông lấy nước về tắm tượng và dâng cúng.
Tấm bia 'Trưng Vương sự tích bi ký' do Tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm 1840. |
Miếu Hai Bà Trưng nằm sát đường Bạch Đằng, quay mặt ra sông Hồng trên một khu đất khá hẹp. Miếu gồm có tam quan, trụ biểu và miếu thờ hình chuôi vồ. Đáng chú ý trên các trụ biểu đắp nổi 4 chữ Hán “Hùng liệt tinh linh” (Hồn thiêng anh hùng lẫm liệt).
Tại miếu Hai Bà Trưng hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như hương án, long ngai, long đình với nhiều trang trí hoa văn đẹp; một quả chuông lớn “Hồng Khánh tự chung”, đạo sắc phong năm Chính Hòa (1680)…
Ngoài ra, trên tường miếu thờ còn 4 câu đối với nội dung ghi nhớ công tích Hai Bà Trưng, trong đó có câu: Thế thượng anh linh khám viết mẫu/ Nhân gian cảm ứng thị như sinh (Sự sáng suốt linh thiêng đáng để người đời gọi là Mẹ/ Sự linh ứng trong nhân dân khiến tưởng như vẫn còn sống mãi).
Sở dĩ ở Hà Nội, nhiều người biết tới đền Đồng Nhân hơn là biết tới miếu Đồng Nhân bởi rất nhiều lý do. Thứ nhất, đền Đồng Nhân ở phố Hương Viên khá rộng, tọa lạc trên diện tích khoảng 4.000m2, lại có địa thế trung tâm, nơi quần cư của người Hà Nội. Còn miếu Đồng Nhân lại khá khiêm tốn, trên tổng diện tích chỉ khoảng 400m2, lại ở nơi xa khuất ngoài bãi sông Hồng.
Ông Nguyễn Hoành Dũng, Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng cho biết, miếu thờ Hai Bà Trưng dù nhỏ bé, song lại chứa đựng giá trị lịch sử to lớn, thể hiện tấm lòng của người dân kinh thành xưa đối với hai nữ vương anh hùng dân tộc. Với các giá trị đó, ngôi miếu được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử năm 1993.
Tấm bia đá “Trưng Vương sự tích bi ký” tại đền Đồng Nhân do Tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm 1840. Bia có chiều cao 165cm, rộng 111cm, dày 20cm. Trán bia chạm rồng chầu mặt trời, diềm bia chạm hoa cúc, dây leo. Bia khắc chữ một mặt gồm 432 chữ Hán, lời văn hàm súc, câu chữ trau chuốt. Đây là tấm bia quý, được đánh giá là một trong 2 bài văn bia nổi tiếng và hay nhất của Tiến sĩ Vũ Tông Phan - cùng với “Ngọc Sơn Đế quân từ ký”.