(GDTĐ) - Trượt nguyện vọng 1 không phải là thất bại, mà là một bước ngoặt để học sinh và phụ huynh nhìn nhận lại và lựa chọn những con đường khác phù hợp, thiết thực hơn.
Hệ thống giáo dục công lập hiện chưa thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu học sinh, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Tuy nhiên, trượt trường công lập không có nghĩa là hết đường học hành. Học sinh hoàn toàn có thể theo học tại các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), hoặc tham gia mô hình học nghề 9+. Việc trượt lớp 10 công lập là bình thường. Điều quan trọng là các em giữ vững tinh thần, tìm hiểu kỹ các phương án phù hợp và tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ học tập, phát triển bản thân.”
Trường nghề: Lối đi thực tiễn và hiệu quả
Thay vì loay hoay tìm lại cơ hội vào trường công lập, nhiều phụ huynh hiện đang hướng tới mô hình học nghề kết hợp học văn hóa – mô hình 9+. Cùng tốt nghiệp lớp 9, một em theo học THPT công lập, một em học nghề, thì sau 3 năm, cả hai đều có bằng tốt nghiệp THPT, nhưng học sinh nghề còn có thêm bằng trung cấp nghề, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, đồng thời có thể đi làm sớm với tay nghề vững vàng.
Hiện tại, nhiều trường nghề như Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM, Trường cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội... đã nhận được lượng lớn hồ sơ từ phụ huynh ngay sau kỳ thi lớp 10. Nhiều ngành học như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện, Thiết kế đồ họa, Chăm sóc sắc đẹp... thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Ngoài ra, mô hình “đặt hàng” giữa doanh nghiệp và nhà trường còn giúp học sinh có cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, thậm chí nhận học bổng hoặc tài trợ du học từ các trường đại học tại Nhật Bản, Đài Loan với cam kết mức lương lên tới 20–30 triệu đồng/tháng sau tốt nghiệp.
Trường tư thục và GDTX: Môi trường học tập đáng cân nhắc
Không chỉ trường nghề, hệ thống các trường tư thục và GDTX cũng đang mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu.
Điều kiện xét tuyển không quá khắt khe nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào, chú trọng môi trường học tập thân thiện, khuyến khích học sinh phát triển toàn diện. Đây là lựa chọn phù hợp với những học sinh chưa đạt điểm cao trong kỳ thi nhưng vẫn mong muốn học THPT đầy đủ.
Đồng hành và định hướng – vai trò then chốt của phụ huynh
Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, trong thời điểm này, điều quan trọng nhất là phụ huynh không nên trách móc hay so sánh con mình với người khác. Thay vào đó, hãy trở thành điểm tựa tinh thần, lắng nghe và đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn nhạy cảm này.
Cha mẹ cần tôn trọng nỗ lực, khả năng riêng của từng đứa trẻ. Thay vì đặt kỳ vọng quá cao vào kết quả, hãy chú trọng đến quá trình và đam mê của con. Chỉ khi được đồng hành đúng cách, trẻ mới thực sự phát triển toàn diện.
Thất bại trong kỳ thi không là thất bại cuộc đời
Thực tế đã chứng minh, nhiều bạn trẻ chọn đi học nghề sau khi trượt lớp 10 công lập đã thành công sớm và có sự nghiệp ổn định. Một học sinh từng trải qua cảm giác trượt nguyện vọng 1 cho biết: “Trượt lớp 10 công lập là cú sốc lúc đó, nhưng nhờ quyết định chọn học nghề, em không chỉ theo đuổi được đam mê mà còn có việc làm ngay từ năm thứ hai.”