“Cuối tuần về nhà chúng tôi thường mua các thực phẩm như: Cá khô, mì tôm, trứng… để dự trữ, phòng trường hợp trời mưa không về nhà được. Mỗi lúc từ nhà đến trường, đồ đạc rất lủng củng, trông chúng tôi giống như người buôn bán hàng rong vậy”, cô Hiệp kể.
Những lúc rảnh, cô Nga và cô Hiệp lại rủ nhau tăng gia sản xuất. Họ trồng thêm luống rau để cải thiện bữa ăn. Thiếu thốn đủ bề, nhưng bằng sự nhiệt huyết và lòng yêu nghề, hai cô giáo vùng cao nơi đây vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cô Hiệp và cô Nga chăm sóc vườn rau. |
Cũng ở ngôi trường này, song lại là điểm trường bản Cống – nơi có điều kiện tương tự, cô giáo Lò Thị Cương chẳng “khấm khá” hơn. Học sinh ở đây còn thiếu nhiều dụng cụ học tập. Đặc biệt, học sinh đa phần còn chưa biết tiếng phổ thông việc rào cản sinh ra càng lớn. Việc truyền tải kiến thức của giáo viên gặp khó, học sinh chậm tiếp thu bài học.
Không những thế, ở đây học sinh đa số ở bán trú. Vì vậy, mỗi người như cô Cương không chỉ là giáo viên, mà họ còn kiêm thêm vai trò làm mẹ. Hàng ngày, họ đều phải hướng dẫn các em từ những việc nhỏ nhất, như vệ sinh cá nhân.
"Tôi giảng dạy xa nhà tính đến nay cũng hơn 3 năm. Nhiều lúc không có thời gian chăm sóc con, nhất là những lúc con ốm đau phải nhờ ông bà nội trông nom. Lắm lúc nhớ con mà rơi nước mắt. Nhưng vì sự nghiệp giáo dục, vì nhiệm vụ công việc được giao nên cũng xác định dù khó khăn, vất vả đến mấy thì tôi cũng sẽ cố gắng vượt qua", cô Cương thổ lộ.
Thầy Quàng Văn Hồng, Hiệu trưởng nhà trường nói: “So với giáo viên nam thì các cô vất vả hơn. Không chỉ dạy học, họ còn phải chăm sóc gia đình, con cái. Gian nan là thế, song các cô rất tâm huyết với nghề. Họ vẫn luôn quyết tâm bám trường, bám lớp, cùng ăn, ở với học sinh. Họ coi học sinh như con, em trong gia đình. Để san sẻ khó khăn, chúng tôi đã hoán đổi. Ví dụ như năm nay ở điểm khó khăn thì năm sau sẽ được luân chuyển đến vùng thuận lợi hơn”.
Trường PTDTBT Tiểu học Mường Lạn nằm ở vùng biên giới (giáp biên với nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào). Trường chính cách trung tâm huyện Sốp Cộp 30km, với 11 điểm trường lẻ. Toàn trường có 74 cán bộ, giáo viên, trong đó hơn một nửa là nữ.