Chuyển trường đại học thành đại học không đơn giản là 'thay tên đổi họ'

08/11/2023, 15:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều trường đại học đã và đang xây dựng chiến lược trở thành đại học. 

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam dự báo còn một số trường đại học lớn “rục rịch” xây dựng đề án thành đại học. Việc phát triển thành đại học là chính sách đúng đắn, rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục Việt Nam với thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Khi các trường chuyển thành đại học đa lĩnh vực, điều được kỳ vọng nhất là: Bộ máy gọn nhẹ hơn, ngân sách đầu tư tập trung, sinh viên tự do lựa chọn môn học, hoặc chương trình liên ngành ở trường trực thuộc. Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến lưu ý, khi chuyển đổi từ trường đại học lên đại học, cần kiểm soát chất lượng cơ sở giáo dục, tránh chạy theo phong trào hoặc háo danh.

TS, Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long (CEA Thăng Long) cho hay, chuyển trường đại học thành đại học không đơn giản là chuyển tên cơ sở giáo dục đại học, mà là chuyển mô hình hoạt động từ đơn sang đa lĩnh vực, phải phát triển cả chiều rộng về quy mô đến chiều cao về trình độ đào tạo.

Qua đó, cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng được lực lượng lớn mạnh, quản trị hiệu quả, thể hiện năng lực tự chủ cao, có khả năng đào tạo, nghiên cứu liên ngành và đảm bảo chất lượng trong mọi hoạt động.

Điều đó không thể thay tên gọi như một kiểu “bình mới rượu cũ”, mà cần có thời gian để phát triển theo định hướng đã được quy định và ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn. “Nói vậy không có nghĩa các trường đại học đều phải phát triển thành đại học mới tốt. Có những trường nhỏ, đơn lĩnh vực nhưng luôn khẳng định chất lượng cao trong mọi hoạt động”, TS Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ.

Cho rằng, không có mô hình đại học nào phù hợp nhất với thực tế của Việt Nam hiện nay, Giám đốc CEA Thăng Long nhấn mạnh, nên xác định mô hình đại học nào phù hợp và hiệu quả đối với một trường đại học cụ thể. Điểm khác biệt giữa việc thành lập các đại học trước khi có Luật số 34 là hình thành bằng con đường/biện pháp hành chính. Còn theo Luật này, các đại học tự chủ lựa chọn con đường phát triển theo tiêu chí – định hướng được quy định.

Theo Luật số 34, có hai cách để hình thành một đại học là: Chuyển trường đại học thành đại học theo cách mà Đại học Bách khoa Hà Nội đã thực hiện và các trường đại học đang hoạt động tự nguyện liên kết thành đại học.

“Tôi cho rằng, việc chuyển trường đại học thành đại học là con đường phù hợp với các trường có bề dày hoạt động, xây dựng được uy tín, thương hiệu trong xã hội; hoạt động bao phủ nhiều lĩnh vực và có ít nhất 3 lĩnh vực trở lên là thế mạnh của trường; quy mô đào tạo tương đối lớn, lực lượng giảng viên hùng hậu và có trình độ cao, phát triển đào tạo sau đại học...”, TS Nguyễn Thị Kim Phụng trao đổi.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, nếu phát triển thành đại học bằng cách tự lớn mạnh (cả chiều rộng, cao trong hoạt động và hiệu quả quản trị, quản lý) hoặc liên kết với các trường khác thành đại học thì có thể cùng nhau thực hiện được những nhiệm vụ to lớn, mang tính liên ngành và cộng lực để phát triển.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-truong-dai-hoc-thanh-dai-hoc-khong-don-gian-la-thay-ten-doi-ho-post660293.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-truong-dai-hoc-thanh-dai-hoc-khong-don-gian-la-thay-ten-doi-ho-post660293.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển trường đại học thành đại học không đơn giản là 'thay tên đổi họ'