Chuyện về chiếc lồng bàn giá 30 triệu đồng được đại gia săn đón

18/06/2023, 11:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Yêu và gắn bó với nghề mây tre đan từ nhỏ, vợ chồng nghệ nhân Trần Văn Khá (Chương Mỹ, Hà Nội) đã cho ra đời chiếc lồng bàn "độc nhất vô nhị" không chỉ nuôi sống gia đình mà còn vươn ra thế giới.

Chẻ mây xong thì đem đi sấy cho khô, kiểm tra thấy trắng rồi phơi (không được phơi lâu sẽ bị biến màu sang ố đỏ) - kiểm tra thấy đạt chuẩn là để xuống đất thì mây tự nhiên hồi lại, khi nào làm sẽ đưa ra xử lý rồi đan dần. 

"Thời gian đầu bắt tay vào làm, được ít phút vợ tôi lại kiểm tra sợi nan mây. Nếu sợi chưa đạt yêu cầu thì phải chuốt lại sợi cho nhỏ hơn, mỏng và mịn hơn", ông Khá chia sẻ.

Theo ông Khá, những sản phẩm lồng bàn đầu tiên ra đời vào năm 2003 bất ngờ "hót", ai nấy khi xem đều tỏ ra thích thú. Mỗi chiếc lồng bàn thời điểm đó có giá khoảng 6 triệu đồng nhưng không có hàng để bán.

"Nếu tập trung, trong một tháng vợ chồng tôi chỉ làm được hai chiếc. Tuy nhiên rất may, sản phẩm này khi làm ra được lòng rất nhiều khách hàng, thậm chí có thời điểm khách đến đặt hàng không có thời gian để đan, phải 5-6 tháng mới đến lượt", ông Khá cho biết.

Đem nghề của quê hương ra thế giới

Nhờ cái tâm với nghề, những chiếc lồng bàn thủ công độc đáo của vợ chồng ông Khá dần lọt vào mắt của khách hàng trong và ngoài nước, có doanh nghiệp đã tìm đến tận nơi để đặt hàng. 

Bà Tiến (vợ ông Khá) chia sẻ, năm 2012, ông bà được mời ra nước ngoài giao lưu, biểu diễn tay nghề mây tre đan tại một hội chợ ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mỗi khi đôi vợ chồng người Việt "chuốt sợi như kéo đàn, đan nan mà như múa", những người xung quanh lại bỏ hết công việc, túm lại xem.

"Tại hội chợ năm ấy, một vị lãnh đạo trong chính quyền Chiết Giang đã xuống tiền mua lồng bàn của vợ chồng tôi. Người này còn tặng cho vợ chồng tôi cặp dây chuyền bằng ngọc trai để bày tỏ sự kính trọng", bà Tiến nhớ lại.

Chuyện về chiếc lồng bàn giá 30 triệu đồng được đại gia săn đón - 3

Ở làng, bà Tiến đan nhanh gấp 2,3 lần người trong làng (Ảnh: Đình Trung).

Tại Việt Nam, sản phẩm lồng bàn của vợ chồng ông Khá từng giành giải nhất tại hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Chiếc lồng bàn đạt giải năm ấy nặng 290gram.

Nhờ những dịp như vậy, những chiếc lồng bàn thủ công được nhiều người trong nước, quốc tế biết đến. Hiện tại, giá trị mỗi chiếc lồng bàn do vợ chồng ông Khá bà Tiến làm ra có giá 30 triệu đồng/chiếc. 

Ở hiện tại, dù nghề mây tre đan này vẫn còn tồn tại nhưng trong gia đình ông Khá, các con ông lại không có ai theo nghề. Có lẽ, do xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa buộc thế hệ tương lai phải thích nghi với nhiều ngành nghề mới, để tạo ra nhiều của cải vật chất lo cho cuộc sống gia đình. 

Chuyện về chiếc lồng bàn giá 30 triệu đồng được đại gia săn đón - 4

Nhiều người đến học vợ chồng ông Khá làm lồng bàn nhưng chưa có ai làm được (Ảnh: Đình Trung).

"Học nghề này không phải là học 1-2 năm mà phải học cho tới khi thạo nghề mới có thể kiếm ăn. Có khi phải học cả đời và yêu nghề thì mới có thể sống được với nghề.

Gia đình tôi đông con cháu nhưng không ai theo nghề này. Ở làng cũng nhiều người đến học nhưng không ai đan được", ông Khá trăn trở.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/chuyen-ve-chiec-long-ban-gia-30-trieu-dong-duoc-dai-gia-san-don-20230618013525068.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/chuyen-ve-chiec-long-ban-gia-30-trieu-dong-duoc-dai-gia-san-don-20230618013525068.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện về chiếc lồng bàn giá 30 triệu đồng được đại gia săn đón