Cơ chế đặc thù

29/03/2024, 14:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.

Theo đó, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm; giáo viên tiểu học, THCS có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Quy định này phù hợp với xu thế phát triển, là yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW.

co-the-dac-thu-8704.jpg
Hình minh hoạ.

Sau gần 5 năm thực hiện Luật Giáo dục 2019 và 4 năm thực hiện Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, đội ngũ nhà giáo đã thay đổi vượt bậc cả về số lượng, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Tính đến năm học 2022 - 2023, trình độ đạt chuẩn của giáo viên tiểu học là 83,26%; THCS là 90,32%, THPT là 99,83%, vượt chỉ tiêu so với lộ trình quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP.

Dù vậy, vì nhiều nguyên nhân, điều kiện về đội ngũ vẫn là một trong những khó khăn lớn khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Hiện nay, số người làm việc trong các cơ sở GDPT công lập thiếu so với định mức. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là các môn tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý), môn học mới (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Bộ GD&ĐT dự báo, đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên Tin học, 5.780 giáo viên ngoại ngữ; cấp THCS thiếu 6.631 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, 2.366 giáo viên môn Khoa học tự nhiên; cấp THPT, môn Nghệ thuật thiếu 4.321 giáo viên...

Để triển khai thành công Chương trình GDPT 2018, đáp ứng đủ giáo viên là yêu cầu cấp bách. Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Tuy nhiên, các địa phương vẫn không tuyển đủ; một trong những nguyên nhân là thiếu nguồn tuyển, nguồn tuyển không đáp ứng yêu cầu và trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.

Trước thực tế này, ngày 15/11/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 75/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Trong đó, với lĩnh vực nội vụ, Nghị quyết yêu cầu “Nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018”.

Sau đó, tại Công văn 361/VPCP-KGVX ngày 17/1/2024, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng để dạy các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018.

Triển khai nhiệm vụ trên, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và công bố lấy ý kiến góp ý rộng rãi dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng để dạy các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018.

Dự thảo hồ sơ gồm Báo cáo đánh giá quy định pháp luật có liên quan, Báo cáo đánh giá tác động và Đề cương dự thảo Nghị quyết. Trong đó, đề xuất tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc chuyên ngành và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy các môn học Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) theo Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học và THCS.

Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với đề xuất này và cho rằng sinh viên trình độ cao đẳng đã được trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm trong các cơ sở đào tạo; nhiều em sau khi tốt nghiệp tham gia hợp đồng giảng dạy nên có kinh nghiệm thực tiễn, hoặc đang tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng trình độ chuẩn… Việc tuyển dụng sinh viên/giáo viên có trình độ cao đẳng tại địa phương là trong tổng số nhân sự được giao nên không làm phát sinh thêm biên chế, đảm bảo phù hợp với quy định của Nghị quyết số 19-NQ/TW...

Tuy nhiên, nếu đi vào thực tiễn, cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tự trau dồi của đội ngũ được tuyển dụng theo chính sách này; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có chất lượng việc nâng chuẩn trình độ giáo viên theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP. Khi tổ chức tuyển dụng, cần thực hiện phần thi nghiệp vụ chuyên ngành dưới hình thức “thực hành” để kiểm tra kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp của ứng viên…

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ chế đặc thù