Gương sáng

Cô gái bỏ đại học, tốt nghiệp thủ khoa cao đẳng

19/05/2025 15:40

Đang là sinh viên đại học, Thu An nghỉ vì dịch Covid-19, đi làm hai năm rồi nhập học cao đẳng, tốt nghiệp thủ khoa.

Nguyễn Thị Thu An, 25 tuổi, là thủ khoa khối ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn đợt tháng 3 của Cao đẳng FPT Polytechnic, với điểm trung bình học tập 8,8/10.

Trong lễ tốt nghiệp hôm 14/5 ở Hà Nội, An bước lên sân khấu cùng mẹ.

"Tôi hạnh phúc khi thấy mẹ hãnh diện đứng đây cùng tôi hôm nay", An nói, cho biết chưa từng nghĩ sẽ trở thành thủ khoa nên rất vui và bất ngờ.

i1-vnexpress.vnecdn.net-2025-05-18-_an1-1747560896-7265-1747561669.jpg
An trong lễ tốt nghiệp hôm 14/5. (Ảnh:NVCC)

An từng là sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành của một trường đại học ở Hà Nội. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trường phải chuyển sang học online. Thấy học không hiệu quả, An dừng lại để hỗ trợ công việc kinh doanh nhà hàng, nhà nghỉ của gia đình ở huyện Thường Tín.

Sau một năm, cô xin làm lễ tân văn phòng, hành chính và nhân sự ở bên ngoài. Tháng 3/2022, An quyết tâm đi học lại.

"Có một tấm bằng sẽ giúp tôi thuận lợi hơn trong công việc sau này", An nhìn nhận.

An cho hay lúc đầu cũng nghĩ phải học đại học vì bằng cấp sẽ được coi trọng hơn. Nhưng thấy lộ trình học ở cao đẳng ngắn (hơn 2 năm), tập trung vào các kỹ năng thực hành, môi trường năng động, vui vẻ nên cô đăng ký. Gia đình cũng động viên An có thể liên thông lên đại học sau tốt nghiệp nếu muốn.

Ban đầu, An đặt mục tiêu qua môn để ra trường nhưng sau khi học môn kỹ năng mềm Phát triển cá nhân, cô thay đổi suy nghĩ. Đây là môn bắt buộc với tân sinh viên, dạy cách làm việc nhóm, tư duy, kỹ năng mềm...

"Tôi có mục tiêu, động lực học tập và tự rèn luyện bản thân hơn", An kể. "Lúc ấy, tôi cảm thấy việc học không còn quá khó khăn với mình".

Trước khi đến lớp, An xem các bài học thu sẵn trên website của trường, trả lời câu hỏi và hoàn thành bài tập đạt 100 điểm để được điểm danh. Ở lớp, cô chăm chú nghe giảng viên giải đáp thắc mắc, chia sẻ kinh nghiệm xử lý tình huống và làm bài kiểm tra.

Chuyên ngành của An là Quản trị khách sạn, học lý thuyết song song với thực hành nghiệp vụ lễ tân, nhà hàng và buồng. Cô thích nhất học nghiệp vụ lễ tân.

"Tôi thích giao tiếp, xử lý tình huống", An lý giải.

Công việc này thường yêu cầu ngoại hình tươi, sáng; khả năng ngoại ngữ, ứng xử, xử lý vấn đề và thái độ tốt. Với khách sạn hạng sang, yêu cầu sẽ khắt khe hơn về chiều cao, cân nặng, màu tóc...

Nhìn nhận ấn tượng đầu tiên của khách với lễ tân là thái độ và nụ cười, An thường luyện cười trước gương sao cho tươi tắn. An cũng tập cúi chào, luyện nói trôi chảy câu chào bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Ngoài ra, cô chú ý tìm hiểu kiến thức về văn hóa, lịch sử để có thể tư vấn cho khách.

An sau đó làm lễ tân cho một khách sạn ba sao từ học kỳ ba để tích lũy kinh nghiệm. Sau đợt thực tập hai tháng ở kỳ 5, An được một khách sạn 5 sao ký hợp đồng 6 tháng.

"Trải nghiệm công việc thực tế giúp tôi học hỏi kỹ năng, nghiệp vụ và trưởng thành hơn", An cho hay.

Gia đình đến chia vui cùng An trong lễ tốt nghiệp hôm 14/5 ở Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
An bên người thân trong lễ tốt nghiệp hôm 14/5 ở Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Kết thúc đợt thực tập chính thứ hai vào học kỳ 7, An quay lại trường làm dự án tốt nghiệp. Chọn chủ đề nâng cao chất lượng dịch vụ cho một nhà hàng của khách sạn 4 sao, An và nhóm phải tìm hiểu vấn đề của nhà hàng thông qua các trang đánh giá, từ đó tìm cách cải thiện. Dự án của nhóm được đánh giá tốt, chỉn chu và giải pháp hợp lý, được chấm 9,5/10 điểm.

Dạy An các môn chuyên ngành, cô Nguyễn Thùy Dương ấn tượng với học trò ở sự nghiêm túc và trách nhiệm.

"Bạn ấy là lớp trưởng ở tất cả lớp tôi dạy. An sáng dạ, nhanh trí, giao tiếp tốt, được thầy cô yêu quý, bạn bè tín nhiệm", cô Dương nhận xét.

Với An, để học tốt cần có sự yêu thích và đam mê ngành học. Cô quan niệm học nghề sẽ có những lợi thế như giỏi về kỹ năng, tay nghề, ra trường có thể làm việc luôn.

Trải nghiệm phỏng vấn xin việc ở nhiều nơi giúp An nhận ra nhà tuyển dụng đánh giá cao tư duy và kỹ năng xử lý vấn đề của ứng viên hơn là để ý bằng cấp từ trường nào.

An cho rằng nhờ được đào tạo các kỹ năng mềm nên dù không làm đúng ngành, sinh viên nghề vẫn có thể làm tốt công việc khác. Sau khi tốt nghiệp, cô bén duyên với công việc trợ lý giám đốc trong một công ty về công nghệ và tự tin sẽ thích ứng nhanh.

Theo VnExpress
https://vnexpress.net/co-gai-bo-dai-hoc-tot-nghiep-thu-khoa-cao-dang-4886707.html
Copy Link
https://vnexpress.net/co-gai-bo-dai-hoc-tot-nghiep-thu-khoa-cao-dang-4886707.html
Bài liên quan
Tấm gương sáng "học và làm theo phong cách Bác Hồ" trong giáo dục
(GDTĐ) - Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt là trong ngành Giáo dục. Cô giáo Nguyễn Thúy Hạnh – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Sở – là hình mẫu tiêu biểu về đạo đức nghề nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo và cống hiến không mệt mỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô gái bỏ đại học, tốt nghiệp thủ khoa cao đẳng